Chủ động, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh liên tiếp xảy ra thiên tai bất thường và khó lường về cấp độ, tần suất. Thiên tai đã làm 2 người chết, 8 người bị thương; trên 745 ngôi nhà bị sập, đổ; gần 900 ha lúa và hoa màu, cây ăn quả và cây công nghiệp bị ảnh hưởng, gần 2.500 con gia súc, gia cầm bị chết, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hỏng... Tổng thiệt hại trên 45 tỷ đồng. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình phòng chống mưa lũ và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm '4 tại chỗ'.

Thi công kè chống sạt lở suối Tấc bảo vệ khu dân cư các xã Huy Thượng, Huy Hạ, huyện Phù Yên.

Thi công kè chống sạt lở suối Tấc bảo vệ khu dân cư các xã Huy Thượng, Huy Hạ, huyện Phù Yên.

Ảnh: Việt Anh

Tại Thành phố, đợt mưa lớn đầu tháng 6 đã gây ngập 65 nhà, 14 nhà bị sạt lở đất đá, ngập úng hơn 41 ha hoa màu... ước tính thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, thông tin: Thời điểm nhiều khu vực trên địa bàn bị ngập úng cục bộ, Thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng đóng toàn bộ cống, tràn của hồ chứa nước bản Mòng; hạ toàn bộ phao cao su trên suối Nậm La để tiêu thoát lũ; túc trực để chỉ đạo xả lũ vào khu vực hồ Bom Bay khi nước tiếp tục dâng cao... phòng chống ngập cho Thành phố. Đồng thời, hỗ trợ di dời các hộ dân cùng tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ bị ngập lụt. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các xã, phường hướng dẫn người dân dọc các mương thoát lũ (trọng tâm mương thoát lũ từ Chiềng Sinh về Chiềng Cơi) gia cố chắc chắn bảo đảm an toàn đối với các vị trí xung yếu và cầu qua mương. Tăng cường tổ chức trực, kiểm tra, tuần tra những địa bàn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đá, ngập lụt và nguy cơ mất an toàn từ các hồ chứa, các công trình xây dựng cơ bản đang thi công để có biện pháp phòng, chống; chủ động lực lượng, phương tiện, vật tư, vật liệu, trang thiết bị phòng, chống lũ bão và tìm kiếm cứu nạn. Chủ động kế hoạch hiệp đồng, phối hợp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả giữa các lực lượng, các ban ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân trong ứng phó và khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra...

Cùng với đó, các địa phương cũng nhanh chóng rà soát, đánh giá các vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, các khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, có biện pháp gia cố an toàn trước mùa mưa lũ. Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành danh mục dự án sắp xếp ổn định dân cư cấp bách với 49 dự án, quy mô 1.938 hộ dân tại 11 huyện, thành phố. Đến thời điểm này, đã có 13 dự án, quy mô 557 hộ dân và 3 dự án kè phòng chống giảm nhẹ thiên tai, với tổng mức đầu tư trên 360 tỷ đồng được bố trí giải ngân vốn thực hiện.

Lực lượng chức năng tham gia cứu hộ xe bị chết máy do mưa lớn gây ngập úng tại đường Trần Đăng Ninh, Thành phố.

Lực lượng chức năng tham gia cứu hộ xe bị chết máy do mưa lớn gây ngập úng tại đường Trần Đăng Ninh, Thành phố.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có gần 2.800 công trình thủy lợi; trong đó có 105 hồ chứa và 132 đập dâng. Qua kiểm tra đánh giá, có 19 hồ chứa bị xung yếu hoặc bị phù sa bồi lấp. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng tất cả các công trình thủy lợi, hồ đập trên địa bàn, phát hiện các hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Đồng thời, phân bổ, ưu tiên kinh phí để tổ chức sửa chữa khắc phục, đảm bảo an toàn cho các công trình; chú trọng xây dựng phương án đảm bảo an toàn công trình đập, hồ chứa, thủy lợi nhằm phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã rà soát các khu vực đầu nguồn các lưu vực sông, suối có độ dốc lớn, khi mưa lớn đất dễ xói mòn, sạt lở gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; lắp đặt, quản lý 35 trạm đo mưa tự động do Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh quản lý, tăng cường cung cấp dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; cắm 342 biển cảnh báo các địa điểm có nguy cơ cao rủi ro thiên tai tại khu vực dễ bị ngập lụt, xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực sụt lún, sạt lở bờ sông, suối... góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mưa lũ.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Bắc, những tháng tiếp theo, thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, đề phòng các đợt mưa lớn có khả năng xảy ra từ khoảng tháng 6 đến tháng 8; lũ quét và sạt lở đất có nguy cơ xảy ra tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh. Ông Cao Viết Thịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, thông tin: Rút kinh nghiệm đợt mưa lũ lớn vào đầu tháng 6 vừa qua, hiện Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; chủ động sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp; chủ động chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, sẵn sàng phương án tái định cư từ sớm để nhanh chóng giúp người dân ổn định đời sống, sản xuất, hoàn thành tốt yêu cầu ứng phó với thiên tai bảo đảm cơ bản và lâu dài.

Cùng với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, người dân cũng được khuyến cáo cần chủ động gia cố nhà cửa, đốn hạ các cây to có nguy cơ gãy đổ, gây mất an toàn đến nhà ở, đường dây điện và các công trình khác; tiến hành khơi thông dòng chảy sông, suối... đảm bảo tiêu thoát nước, tránh tình trạng ngập úng, hạn chế thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-nang-cao-nang-luc-phong-chong-thien-tai-50841