Chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm chủng vi rút cúm gia cầm A/H5N8

ĐBP - Trước tình hình dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng vi rút A/H5N8 đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, theo đánh giá từ các cơ quan chức năng, dịch bệnh có thể lây lan trên phạm vi rộng. Để chủ động ngăn chặn, kiểm soát nguy cơ xâm nhiễm dịch CGC nguy hiểm, các sở ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai những giải pháp ban đầu nhằm phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sản xuất và ngăn chặn các nguy cơ lây sang người.

Cán bộ thú y xã Thanh An (huyện Điện Biên) tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã.

Huyện Điện Biên là một trong những địa phương có đàn gia cầm chăn nuôi quy mô lớn trên 1 triệu con. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời và hiệu quả, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng dịch; tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm... Đến nay, tại 12 xã vùng lòng chảo nơi chăn nuôi tập trung gia cầm nhiều nhất, thú y huyện triển khai tiêm 517.000 liều vắc xin CGC.

Xã Thanh An, huyện Điện Biên hiện có gần 100.000 con gia cầm các loại. Vừa qua, xã được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp 25.000 liều vắc xin CGC H5N1 và đã triển khai tiêm cho đàn gia cầm trên địa bàn xã. Ông Đỗ Văn Mạnh, thôn Đồi Cao, xã Thanh An (huyện Điện Biên) cho biết: Gia đình hiện nuôi gần 100 con gia cầm các loại. Để đề phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm, gia đình đã chăm sóc và tiêm phòng dịch, vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, vì thế đàn gia cầm phát triển tốt, an toàn.

Trước nguy cơ cao chủng cúm mới nguy hiểm xâm nhập vào tỉnh, ngày 14/7, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu ngành chuyên môn, các địa phương thực hiện khẩn các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm type A/H5N8 và các chủng vi rút cúm gia cầm thể độc lực cao khác. Các địa phương cần tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; kiểm soát động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa bàn. Chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, khi phát hiện gia cầm có dấu hiệu nghi mắc bệnh, cần tổ chức lấy mẫu xét nghiệm bệnh để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi rút CGC… Đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, vận động các hộ chăn nuôi gia cầm trên địa bàn tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh ở ngoài môi trường và thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Tính từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có địa phương nào xảy ra dịch CGC (kể cả dịch cúm A/H5N1 và A/H5N6). Tuy nhiên, với tổng đàn gia cầm của tỉnh rất lớn với khoảng gần 5 triệu con, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng vắc xin CGC đạt thấp, đến nay mới triển khai tiêm được 551.500 liều vắc xin CGC ở huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, môi trường chăn nuôi chưa đảm bảo vệ sinh thú y. Hoạt động chăn thả tự nhiên, bán tự nhiên vẫn chủ yếu. Tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết thịt, tiêu thụ sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc chưa được kiểm soát chặt chẽ. Thêm vào đó, thời tiết đang diễn biến hết sức phức tạp, mưa lớn liên tiếp trong nhiều ngày, độ ẩm không khí cao, đây là điều kiện rất thuận lợi cho dịch bệnh phát tán, lan rộng. Để công tác phòng, chống dịch CGC hiệu quả, Chi cục đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, chủ trang trại nuôi gia cầm và các cơ sở chế biến gia cầm tăng cường tiêu độc khử trùng và tổng vệ sinh chuồng trại.

Bài, ảnh: Lan Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/188930/chu-dong-ngan-chan-nguy-co-xam-nhiem-chung-vi-rut-cum-gia-cam-ah5n8