Chủ động ngăn ngừa thanh thiếu niên vi phạm an toàn giao thông

Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: CTV

Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP Tuy Hòa vừa phối hợp Công an tỉnh kiểm tra, xử lý các thanh thiếu niên tụ tập, chạy xe, nẹt pô gây mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT), an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn TP Tuy Hòa. Hoạt động này nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về ATGT; chủ động ngăn ngừa, xử lý tình trạng thanh thiếu niên, học sinh vi phạm TTATGT.

Ngăn chặn sớm nguy cơ tai nạn

Theo Công an TP Tuy Hòa, thời gian qua xuất hiện tình trạng thanh thiếu niên (được gọi là racing boy) tụ tập chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, đánh võng, lạng lách, nẹt pô… gây mất TTATGT trên nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Tuy Hòa. Racing boy là từ được giới trẻ sử dụng để chỉ các thanh thiếu niên có sở thích sửa, độ những chiếc xe máy bình thường thành xe đua. Các racing boy thường tập trung dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe nẹt pô, lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe máy khi đang chạy... Việc trở thành racing boy như một cách thể hiện độ chịu chơi của các thanh thiếu niên này. Địa bàn hoạt động của các đối tượng này là một số tuyến phố vắng người như Độc Lập, Lê Duẩn, Hùng Vương, Trần Phú thuộc phường 5, phường 7 và phường 9; thời gian hoạt động từ 19-23 giờ. Tình trạng này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân các em, mà còn gây hoang mang, lo lắng cho người đi đường.

Bà Trương Thị Phương ở phường 9, TP Tuy Hòa, cho biết: Buổi tối, vợ chồng tôi thường đạp xe tập thể dục trên đường Lê Duẩn, Độc Lập. Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh các cháu nhỏ tuổi dàn hàng 3, hàng 4 chạy xe, nẹt pô trên đường. Những lúc ấy vợ chồng tôi đều phải tấp vào lề nhường đường. Mình già rồi, lỡ có té thì khổ con, khổ cháu.

Để chủ động kiểm soát tình trạng trên, Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP Tuy Hòa đã phối hợp Công an tỉnh triển khai chuyên đề tuần tra, kiểm soát và xử lý các racing boy. Lực lượng chức năng kết hợp lực lượng tuần tra và cả lực lượng hóa trang để theo dõi, xử lý các đối tượng vi phạm. Nhờ vậy, chỉ sau 3 đợt ra quân, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 50 trường hợp vi phạm.

Qua làm việc, phần nhiều trường hợp vi phạm đều trong độ tuổi vị thành niên (từ đủ 16-18 tuổi) và cả trẻ dưới 16 tuổi. Các hành vi vi phạm chủ yếu là điều khiển mô tô, xe máy khi chưa đủ tuổi, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, sử dụng bộ phận giảm thanh không đảm bảo quy chuẩn về tiếng ồn... Các lực lượng chức năng đã xử phạt một số trường hợp và tiếp tục xác minh, xử lý các đối tượng còn lại.

Tăng cường phối hợp gia đình - nhà trường

Theo Công an TP Tuy Hòa, quá trình làm việc, đơn vị đã sàng lọc các trường hợp vi phạm để có hướng xử lý phù hợp. Cụ thể, với các trường hợp là học sinh, Công an TP Tuy Hòa sẽ phối hợp nhà trường cùng nhắc nhở, xử lý. Với những đối tượng không phải là học sinh, đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thông báo với gia đình để quản lý nhắc nhở; yêu cầu gia đình cam kết không để các cháu tái phạm, không giao xe cho trẻ em, trẻ vị thành niên điều khiển.

Trung tá Trương Chí Thông, Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông - Trật tự, Công an TP Tuy Hòa, cho biết: Việc các gia đình giao xe máy cho trẻ em, trẻ vị thành niên điều khiển xe khi chưa đủ tuổi, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông cho bản thân và người khác. Cụ thể, trẻ chưa đủ tuổi, chưa được trang bị kiến thức khi điều khiển phương tiện mô tô, xe máy, chưa nắm bắt đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, cũng chưa có kỹ năng lái xe và xử lý tình huống; thêm vào đó, việc các em tụ tập chạy xe, lạng lách, đánh võng, nẹt pô gây rất nhiều nguy hiểm cho người đi đường. Đặc biệt, đây lại là các tuyến đường rất đông người dân tập thể dục cũng như khách du lịch, nên các hành động này không chỉ gây mất ATGT, mà còn ảnh hưởng tình hình ANTT trên địa bàn thành phố.

Do vậy, Công an TP Tuy Hòa khuyến cáo phụ huynh cần siết chặt quản lý con em mình; không giao xe hay tạo điều kiện cho các em điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe. Bên cạnh việc xử phạt người vi phạm, thì người giao xe cho trẻ em, trẻ vị thành niên cũng bị xử lý với mức phạt cao hơn rất nhiều so với người vi phạm. Điều này nhằm tăng cường tính răn đe, trách nhiệm của các gia đình đối với việc quản lý, nhắc nhở các em trong việc chấp hành các quy định về giao thông đường bộ.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/356/289230/chu-dong-ngan-ngua-thanh-thieu-nien-vi-pham-an-toan-giao-thong.html