Chủ động ngăn ngừa tội phạm mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên

21 giờ, Đại úy Vũ Trường, Phó Trưởng Công an xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) vội vã trở về đơn vị. Sau 3 tiếng tuần tra, anh và đồng đội đã đi hết những điểm có nguy cơ xảy ra mất trộm cà phê trên địa bàn xã.

Ăn vội bữa cơm tối đã nguội lạnh, khoác thêm chiếc áo ấm mùa đông, Đại úy Vũ Trường và đồng đội lại lên đường. Cứ như thế, trắng đêm, Công an xã Lộc Nam phối hợp với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chia thành từng tổ công tác, tiếp tục tuần tra, kiểm soát những địa điểm có nguy cơ cao xảy ra trộm cắp, nhất là nương rẫy cà phê cách xa khu dân cư.

Lực lượng chức năng ở cơ sở tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự trong mùa thu hoạch cà phê.

Lực lượng chức năng ở cơ sở tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự trong mùa thu hoạch cà phê.

Tây Nguyên chuẩn bị bước vào cao điểm mùa thu hoạch cà phê. Kinh nghiệm được vị Trưởng Công an xã Lộc Nam rút ra sau nhiều năm gắn bó sâu sát với địa bàn xã cho thấy, khi lực lượng Công an mạnh, tội phạm sẽ yếu và giảm. Muốn vậy, Công an phải triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó lấy phòng ngừa, chủ động tấn công, trấn áp tội phạm làm nòng cốt.

Công an xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm siết chặt công tác quản lý nhân khẩu, kê khai tạm trú, tạm vắng. Những đối tượng cộm cán, thanh thiếu niên hư hỏng ở địa phương liên tục được mời lên trụ sở Công an xã để răn đe, giáo dục, viết cam kết không vi phạm pháp luật.

Giá cà phê đang ở rất cao, nguy cơ làm gia tăng tội phạm trong lĩnh vực này. Một vài vụ mất trộm cà phê đã xảy ra là lời cảnh báo. Cuối năm, hàng nghìn lao động từ các địa phương khác đổ lên khu vực Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng để thu hoạch cà phê. Không ít đối tượng hình sự, trốn lệnh truy nã đã trà trộn vào dòng người, chờ thời cơ. Phổ biến nhất là trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là giết người để cướp tài sản…

Người dân tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhớ như in vụ án mạng rúng động 10 năm trước. Tháng 10/2012, vợ chồng ông Kiều Văn Tư thuê được hai thanh niên khỏe mạnh là Nguyễn Thành Luân (quê Tây Ninh) và Nguyễn Văn Thư (quê Bến Tre) thông qua một trung tâm giới thiệu việc làm, đưa vào trong rẫy để thu hoạch cà phê.

Do mâu thuẫn trong việc thỏa thuận tiền công làm việc theo tháng, ngay chiều cùng ngày, hai đối tượng này liền ra tay sát hại vợ chồng ông Kiều Văn Tư, kéo xác hai nạn nhân vào giấu trong rẫy cà phê. Trước khi chạy trốn, hai đối tượng đã cướp một số tài sản của gia chủ, trong đó có chiếc xe máy. Công an đã bắt được hai đối tượng trên đường bỏ trốn khỏi địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tối nay, Công an xã Lộc Nam còn tới các gia đình nhắc nhở, đôn đốc người dân đăng ký tạm trú, tạm vắng cho người từ các địa phương khác tới thu hoạch cà phê. Chủ động phòng ngừa được đặt lên hàng đầu.

Thiếu tá Trần Văn Doanh, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bảo Lâm cho biết, Bảo Lâm có diện tích trồng cà phê lớn, khoảng 30.000ha, sản lượng hằng năm ước khoảng 100.000 tấn. Từ tháng đầu 10/2024, Công an huyện Bảo Lâm đã xây dựng kế hoạch để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm trộm cắp cà phê.

Xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã thành lập mô hình "Tổ tuần tra phòng, chống tội phạm và bảo vệ nông sản". Công an xã Đức Minh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) cũng lập 7 tổ công tác với 36 thành viên tham gia. Hằng ngày, các tổ công tác tại hai xã trên có nhiệm vụ phối hợp với Công an và lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tuần tra, kiểm soát địa bàn được giao, quản lý cư trú, kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm.

Ông Vũ Văn Cuối (xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) cho biết: "So với trước đây, các loại tệ nạn, trộm cắp nơi tôi sống đã giảm hẳn. Trong mùa thu hoạch cà phê năm nay, Công an thường xuyên kiểm soát các tuyến đường, nương rẫy. Người dân chúng tôi yên tâm đợi cà phê chín rộ mới hái. Không còn tâm lý xanh nhà hơn già đồng!...".

Theo Thiếu tá Phạm Viết Quyền, Phó trưởng Công an xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa, Công an xã Đắk Nia đã đề nghị các cơ sở thu mua cà phê ký cam kết không thu mua cà phê non, khi phát hiện người bán cà phê nghi là tài sản trộm cắp phải báo ngay cho Công an để xử lý. Lực lượng chức năng cũng đã tới từng gia đình phổ biến về công tác kê khai tạm trú, rà soát, làm việc với các đối tượng có biểu hiện "bảo kê", ép giá người dân, thương lái để trục lợi…

Khắc Lịch - Hồng Long

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/chu-dong-ngan-ngua-toi-pham-mua-thu-hoach-ca-phe-o-tay-nguyen-i749145/