Chủ động nghiên cứu ứng dụng khoa học vào y học cổ truyền
Y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm; đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học vào điều trị y học cổ truyền được khuyến khích.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, các bệnh không lây nhiễm như các bệnh lý tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mạn tính… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, lớn hơn tất cả các nguyên nhân khác cộng lại. Thống kê của Bộ Y tế, trên toàn quốc, cứ 100 trường hợp tử vong thì có tới 77 người tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó nguyên nhân do bệnh tim mạch chiếm 31%, ung thư chiếm 19%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính chiếm 6%, đái tháo đường chiếm 4% và các bệnh không lây nhiễm khác chiếm 18%.
Đại tá Nguyễn Vinh Quốc - Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, với việc nắm bắt toàn diện và linh hoạt các biến đổi sinh lý cũng như bệnh lý của cơ thể, đánh giá tình trạng cân bằng âm dương, sự phối hợp hoạt động chức năng của tạng phủ, sự thống nhất giữa thể chất và tinh thần, mức độ thích ứng với tự nhiên, đặc biệt là đánh giá trạng thái hoạt động chung của cơ thể kết hợp hài hòa với các thay đổi của tự nhiên cũng như xã hội, y học cổ truyền đã xây dựng hệ thống hoàn chỉnh cả về lý luận cũng như thực tiễn trong phòng và điều trị các bệnh nói chung, trong đó có bệnh không lây nhiễm.
“Trên phương diện phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm, y học cổ truyền đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tinh thần, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe thể chất. Thực tế cho thấy, bằng hệ thống lý luận đầy đủ và nhất quán, y học cổ truyền đã thể hiện được những ưu việt trong phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm bằng thuốc cho tới các phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng cách cá thể hóa chẩn đoán và điều trị đối với từng trường hợp người bệnh, mặt khác cũng tiến hành can thiệp sớm nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm, ngăn ngừa diễn biến xấu, hạn chế biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, giảm tỷ lệ tàn phế cũng như tử vong... Từ đó đạt được mục đích bảo vệ sức khỏe người bệnh trên cơ sở thiết lập lại trạng thái cân bằng âm dương, khôi phục sự phối hợp nhịp nhàng của các hoạt động chức năng các tạng phủ. Đây cũng chính là nét độc đáo của Biện chứng luận trị y học cổ truyền với phương châm “đối tượng của người thầy thuốc là người bệnh chứ không phải bệnh” - ông Quốc phân tích.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, y, dược cổ truyền Việt Nam là hệ thống đặc thù, có lịch sử hình thành lâu đời trong suốt nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đã tồn tại cùng với sự phát triển của dân tộc Việt Nam. Y, dược cổ truyền có tiềm năng và vai trò to lớn, đóng góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
“Trong tình hình hiện nay, việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng các thành tựu khoa học vào công tác nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực y dược cổ truyền đem lại nhiều thành tựu mới cho nền y, dược cổ truyền Việt Nam. Cần phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của y dược cổ truyền nhằm đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng y, dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào lĩnh vực y học nói chung và y, dược cổ truyền nói riêng” - ông Đỗ Xuân Tuyên cho hay.
Tại hội thảo Y dược cổ truyền kết hợp y dược hiện đại trong điều trị bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế vừa tổ chức, ông Đỗ Xuân Tuyên khuyến khích các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực y tế nói chung, y học cổ truyền nói riêng. Tăng cường công tác tuyên truyền kết quả của hội thảo; góp phần phát huy giá trị di sản của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông để phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh khoa học y học đang không ngừng vận động và phát triển, bằng sự kết hợp giữa truyền thống và khoa học, y học cổ truyền với những phương pháp điều trị tự nhiên và hiệu quả giúp tối ưu hóa sức khỏe cả về thân thể lẫn tinh thần đang trở thành một nguồn lực quý báu trong việc dự phòng và điều trị bệnh không lây nhiễm. Do vậy, cần kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến phối hợp với các kinh nghiệm cổ truyền, phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế nhằm phát triển y học cổ truyền bền vững là hết sức cần thiết.