Chủ động nguồn cung gia súc, gia cầm cho dịp Tết

Người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã bước vào đợt tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm đón Tết Nguyên đán, kỳ vọng xuất bán được giá cao.

Chủ động nguồn cung gia súc, gia cầm cho dịp Tết. Ảnh (tư liệu): baohaugiang.com.vn

Chủ động nguồn cung gia súc, gia cầm cho dịp Tết. Ảnh (tư liệu): baohaugiang.com.vn

Tại Hậu Giang, chăn nuôi nông hộ chiếm trên 70%. Hình thức này bắt nguồn từ sinh kế của người dân vùng nông thôn, giúp cải thiện kinh tế hộ gia đình, góp phần cung ứng thực phẩm cho thị trường, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán hàng năm. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm nay, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đón tết của người dân Hậu Giang có nhiều thuận lợi. Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi giảm nhẹ, giúp giảm áp lực chí phí đầu tư.

Năm nay, bà Lê Thị Nương, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang mạnh dạn đầu tư mới chuồng trại, thả nuôi gần 500 con gà. Để tăng thu dịp tết, gia đình bà Nương nuôi thêm 20 con lợn, dự kiến sẽ bán vào giữa tháng 12 âm lịch. Hiện tại, đàn vật nuôi phát triển tốt, gia đình kỳ vọng sẽ bán được giá cao, thu lợi nhuận khá.

"Đàn lợn 20 con là tôi nuôi mới hoàn toàn. Còn đàn gà thì tăng đàn 50% so với cùng thời điểm này năm trước. Việc tái đàn khá thuận lợi bởi giá thức ăn chăn nuôi giảm, chỉ mong cận Tết Nguyên đán, sẽ bán được giá cao", bà Lê Thị Nương chia sẻ.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản các huyện, thị xã, thành phố rà soát, quản lý tốt tổng đàn gia súc, gia cầm. Tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc nuôi dưỡng, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh trên từng đối tượng vật nuôi. Trong đó, chú trọng tiêm phòng, giữ chuồng trại sạch sẽ; áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng để đạt hiệu quả cao.

Với kinh nghiệm chăn nuôi gia cầm gần 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Vũ, ở xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang chia sẻ: Việc phòng bệnh cho vật nuôi là vô cùng quan trọng và nó trở thành việc làm không thể thiếu của người chăn nuôi. Thời điểm tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm đón tết khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch, đây cũng là thời điểm chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, thời tiết hanh lạnh, sức đề kháng của gia cầm giảm. Bên cạnh tiêm phòng cúm gia cầm, ông thường rãi vôi, phun thuốc khử trùng chuồng trại để triệt tiêu mầm bệnh trong môi trường. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp trên nên chăn nuôi gần 10 năm nay không xảy ra tình trạng thất thoát, thua lỗ do dịch bệnh.

Ông Trịnh Hùng Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Hậu Giang đánh giá: Tình hình chăn nuôi đón Tết Nguyên đán năm nay khá thuận lợi bởi trên địa bàn tỉnh không phát sinh dịch bệnh trên gia súc gia cầm, chi phí chăn nuôi giảm bởi giá thức ăn giảm khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là động lực để người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn phục vụ thị trường. Đánh giá chung tổng đàn hiện nay tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung gia súc, gia cầm dịp Tết Nguyên đán năm nay dồi dào, phục vụ tốt nhu cầu thị trường.

Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện có trên 145.000 con; tổng đàn gia cầm trên 4,3 triệu con. Để đảm bảo an toàn chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện nay, thời tiết thay đổi thường xuyên, ngành chức năng khuyến cáo người dân chăm sóc nuôi dưỡng tốt; phối hợp tốt với lực lượng thú y cơ sở nếu phát hiện dấu hiệu bất thường trên gia súc, gia cầm để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Nguyên Hà (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/chu-dong-nguon-cung-gia-suc-gia-cam-cho-dip-tet-20231129132418402.htm