Chủ động nguồn cung thịt lợn Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Cùng với việc khai thác nguồn cung thịt lợn từ trong nước, các doanh nghiệp phân phối cũng đã lên kế hoạch nhập khẩu thịt lợn phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Hiện, nguồn hàng này đã về đến các kho. Dự báo, sẽ không có những biến động bất thường, cũng như không xảy ra khan hàng sốt giá đối với mặt hàng này.

Các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lên kế hoạch nguồn hàng từ rất sớm

Theo đại diện Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam khu vực miền Bắc, năm 2020 lượng thịt lợn đáp ứng yêu cầu của các siêu thị là 550 tấn và thịt gà 800 tấn, các thực phẩm chế biến gồm xúc xích, giò, chả, nem… là 2.700 tấn, như vậy, mức hàng hóa của năm 2020 vào khoảng 300 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2021 phía công ty tăng khoảng 30% (khoảng 420 tỷ đồng) so với năm 2020, trong đó, thịt lợn khoảng 750 tấn, gà 2.300 tấn và thực phẩm chế biến là hơn 4.000 tấn. Tuy nhiên, đây là con số tính toán dựa trên các ký kết của phía công ty với hệ thống bán hàng. Bản thân C.P là chuỗi thực phẩm 3F feed-farm-food (thức ăn chăn nuôi – trang trại – thực phẩm giàu protein động vật), do đó lượng thực phẩm từ farm cũng rất lớn. Nếu có những yêu cầu thêm từ các hệ thống siêu thị đối với hàng tươi sống thì C.P hoàn toàn đáp ứng được.

Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, hệ thống các siêu thị, kênh phân phối đã lên kế hoạch đặt hàng mặt hàng thịt lợn với khối lượng tăng gấp đôi so với năm ngoái. Hiện lượng lợn thịt từ phía công ty cung cấp ra thị trường không có sự biến động bất thường.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart Hà Đông

Tết là dịp kinh doanh quan trọng của tất cả các đơn vị bán lẻ. Liên quan đến mặt hàng thịt, bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG - cho hay, bên cạnh nguồn cung khai thác tại thị trường trong nước, phía doanh nghiệp cũng đã chủ động nhập khẩu và dự trữ một lượng khá lớn các mặt hàng thịt lợn, thịt bò, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ theo tiêu chuẩn USDA để đảm bảo cân bằng nguồn cung trong nước. Tháng 12/2020, phía doanh nghiệp đã nhập khẩu 3 container thịt lợn (23 tấn/container), hiện hàng đã về đến kho.

Còn theo đại diện Công ty TNHH Vincommerce, công ty đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng từ tháng 9/2020 và đến nay hầu hết hàng hóa đã về dự trữ tại các kho hàng của doanh nghiệp. Về sản lượng, công ty chuẩn bị khoảng 1.500 tỷ đồng tiền hàng, tương đương với năm 2020. Năm 2021, Vincommerce có một bộ phận nhập khẩu trực tiếp các mặt hàng thịt, trái cây. Riêng đối với mặt hàng thịt bò, phía doanh nghiệp đã nhập khẩu 3 container mặt hàng này, chiếm sản lượng 44% so với tổng lượng thịt bò công ty dự trữ. Ngoài thịt bò, công ty nhập khẩu khoảng hơn 40 tấn thịt lợn và 15 tấn thịt gà. Cùng với nguồn hàng nhập khẩu, nguồn hàng thịt lợn được phía công ty triển khai tại địa bàn Hà Nội (chiếm 60%) và các tỉnh đưa về (chiếm 40%). Với sự chuẩn bị kế hoạch Tết từ rất sớm (tháng 9/2020) nên nguồn hàng tại các cơ sở ở các tỉnh đưa về cũng như tại Hà Nội không có gì khó khăn.

Trong khi đó, theo giám đốc Vùng Hà Nội của Tập đoàn Central Group Lê Mạnh Phong, hiện, Big C đang chạy chương trình bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thịt lợn, dự kiến, chương trình sẽ kéo dài đến cuối tháng 2/2020.

Việt Nam nhập khẩu thịt lợn tăng 416,1% về lượng

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu tính toán của Tổng cục Hải quan cho hay, trong tháng 11/2020, Việt Nam nhập khẩu 16,22 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (mã HS 0203), trị giá 38,33 triệu USD, tăng 485,2% về lượng và tăng 682% về trị giá so với tháng 11/2019. Lũy kế 11 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 127,73 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 303,84 triệu USD, tăng 416,1% về lượng và tăng 546,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, Brazil, Nga, Canada, Hoa Kỳ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam trong 11 tháng năm 2020.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong tháng 12/2020, giá lợn hơi có xu hướng tăng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Cuối tháng 12/2020, giá lợn hơi trên cả nước dao động trong khoảng 72.000 - 80.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 - 8.000 đồng/kg so với cuối tháng 11/2020 do dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại một số tỉnh, thành.

Năm 2020, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, bão, lũ lịch sử tại các tỉnh khu vực miền Trung, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu gây ra, nhưng trị giá sản xuất ngành chăn nuôi ước tăng 5,5% so với năm 2019. Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn lợn cả nước năm 2020 đạt khoảng 26,17 triệu con, tăng 5%; sản lượng thịt lợn hơi đạt khoảng 3,46 triệu tấn, tăng 3,9%. Cục Chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng trị giá sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn, tăng 6,1%.

Thị trường thịt lợn Tết Nguyên đán năm 2021 vẫn có yếu tố khó dự đoán do dịch tả lợn châu Phi tái phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước khiến ngành chăn nuôi lợn vẫn gặp rủi ro. Tuy nhiên, nhìn chung, Tết Nguyên đán năm 2021 khó xảy ra tình trạng thịt lợn khan hàng, sốt giá vì hiện tại nguồn cung lợn khá dồi dào. Trong khi, tiêu thụ mặt hàng thịt lợn thời gian qua khá chậm nên nhu cầu tiêu thụ thịt lợn dịp Tết Nguyên đán 2021 sẽ giảm hơn so với hàng năm.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, đối với mặt hàng thịt lợn có thể thiếu hụt 5-7%, tuy nhiên, với sự vào cuộc của Sở, cũng như kế hoạch chuẩn bị từ rất sớm của các nhà phân phối, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, dịp Tết này dự kiến thịt lợn sẽ không có những sự tăng giá đột biến. Tuy nhiên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cũng đề nghị các nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà sản xuất điều tiết lượng cung cũng như kế hoạch bán hàng, chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước, chia sẻ lợi nhuận của mình, có trách nhiệm với người tiêu dùng, không để giá lợn tăng nóng, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát kinh tế vĩ mô của nhà nước.

11 tháng năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 127,73 nghìn tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, trị giá 303,84 triệu USD, tăng 416,1% về lượng và tăng 546,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chu-dong-nguon-cung-thit-lon-tet-nguyen-dan-tan-suu-2021-150490.html