Chủ động phối hợp, phát hiện kịp thời, triệt phá tận gốc
Để ngăn chặn tội phạm ma túy (TPMT), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các tỉnh biên giới Tây Nam đã phối hợp với các lực lượng triệt phá nhiều đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới và đấu tranh giảm TPMT tại nội địa.
Triệt phá nhiều đường dây ma túy qua biên giới
Buôn bán “cái chết trắng” được xếp vào hàng “siêu lợi nhuận”, vì vậy TPMT ở khu vực biên giới Tây Nam luôn gia tăng và phức tạp. Các đối tượng đều có sự móc nối, hình thành những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Thủ đoạn phổ biến của chúng là lợi dụng các casino, vũ trường, khách sạn... ở địa bàn ngoại biên, trọng điểm là ở đối diện với các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh, làm nơi tập kết, giao dịch, mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa tiêu thụ. Theo Thượng tá Trương Công Số, Phó trưởng phòng Phòng chống TPMT, BĐBP tỉnh Tây Ninh, khi vận chuyển, các đối tượng thường giấu ma túy lẫn trong hành lý dưới dạng hàng ký gửi hoặc tuồn qua đường tiểu ngạch. Lợi dụng lượng người sử dụng ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa, các đối tượng thường thuê thanh niên có sử dụng ma túy để vận chuyển.
Nắm được thủ đoạn của TPMT, mới đây Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài phối hợp các lực lượng kiểm tra xe khách biển kiểm soát 3E-2233 của một công ty có địa chỉ tại TP Phnom Penh (Campuchia) chạy tuyến Phnom Penh-TP Hồ Chí Minh, phát hiện một thùng hàng cất giấu 3kg ma túy đá. Phối hợp kiểm tra kho hàng ký gửi của công ty này tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh), lực lượng chức năng thu được 4 thùng hàng có chứa 10kg ma túy đá. Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng bắt khẩn cấp Võ Thị Kim, ngụ tỉnh Tiền Giang và Nguyễn Thị Hồng Thắm, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Khám xét nơi ở của Thắm, các lực lượng thu thêm gần 400g ma túy dạng thuốc lắc.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, BĐBP tỉnh Tây Ninh triển khai hai chuyên án và phối hợp các lực lượng thực hiện nhiều kế hoạch, đã bắt giữ 28 vụ/59 đối tượng, thu 49,4kg ma túy tổng hợp dạng đá, 2,1kg ma túy tổng hợp dạng viên, 1 bộ dụng cụ sử dụng ma túy... tăng 9 vụ/25 đối tượng so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tại tỉnh Long An, Bình Phước… các lực lượng phối hợp triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm ma túy trên biên giới. Ghi nhận từ năm 2019 đến nay, lực lượng BĐBP Long An triệt phá 4 chuyên án lớn: 503C, 021A, 1018 MB, LA 520… thu 91,62kg ma túy. Mới đây, ngày 26-5, BĐBP Long An phối hợp với các lực lượng bắt giữ 7 đối tượng (trong đó 2 đối tượng người nước ngoài), thu 20,8kg ma túy, 3 khẩu súng…
Theo Đại tá Phạm Phú Phước, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Long An, địa bàn trọng điểm vận chuyển ma túy là biên giới huyện Đức Huệ, thị xã Kiến Tường, huyện Vĩnh Hưng. Nhận rõ tính chất, thủ đoạn của các đối tượng, BĐBP tỉnh Long An đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ chuyên trách và củng cố mạng lưới cơ sở. Đơn vị thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp với công an, hải quan, các đơn vị chức năng của Campuchia nhằm kiểm soát chặt chẽ hàng hóa; tăng cường trao đổi, phối kiểm thông tin, đấu tranh, xử lý, giải quyết tốt vụ việc trên biên giới.
Ngăn chặn mua sỉ, bán lẻ tại nội địa
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng Tây Ninh, hiện địa bàn tỉnh có hơn 4.400 người sử dụng ma túy. Những năm gần đây, bình quân mỗi năm số người sử dụng trái phép ma túy đều tăng 300-400 người. Nguồn ma túy được các đối tượng chủ yếu mua sỉ ở các huyện biên giới và TP Hồ Chí Minh, sau đó chia nhỏ bán lẻ cho con nghiện để kiếm lời. Theo Thượng tá Trương Công Số, đây là một trong những nguyên nhân khiến TPMT trên biên giới vẫn chưa hạ “nhiệt”. Để đấu tranh phòng, chống TPMT, đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, huy động nhiều nguồn lực nhằm giảm TPMT tại nội địa.
Sáu tháng đầu năm 2020, các lực lượng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 87 vụ với 163 đối tượng tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại nội địa. Không chỉ tại tỉnh Tây Ninh mà các tỉnh biên giới Tây Nam cũng chủ động phối hợp ngăn chặn mua sỉ, bán lẻ ma túy tại nội địa.
Thời gian qua, lực lượng chuyên trách các địa phương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và đầu tư trang bị, ứng dụng công nghệ, lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các địa bàn trọng điểm. Cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tốt Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống ma túy” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Các lực lượng chuyên trách cũng phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, bồi dưỡng, phổ biến pháp luật, nghiệp vụ, thủ đoạn tội phạm cho nhân dân, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm. Các tỉnh biên giới tăng cường phối hợp với các tỉnh nội địa, xây dựng quy chế phối hợp đấu tranh cụ thể. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an ninh trật tự, làm tốt công tác quản lý phân loại đối tượng nghiện, tiền án, tiền sự, đối tượng nguy cơ phạm tội cao, làm sạch địa bàn.
Hiện nay, các tỉnh biên giới Tây Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhận thức của không ít người dân còn hạn chế là vấn đề được các đối tượng triệt để lợi dụng. Về lâu dài, các địa phương cần nghiên cứu chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Các địa phương cần quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, thiết thực nâng cao đời sống tinh thần, chăm lo giúp đỡ hộ nghèo, thực hiện tốt biện pháp an sinh xã hội, không để các đối tượng lợi dụng; đồng thời thực hiện hiệu quả biện pháp quản lý, giáo dục người cai nghiện và tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện, phòng chống tái nghiện, góp phần giảm đối tượng nghiện, giảm TPMT trên địa bàn.