Chủ động phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa
Đầu tháng 9 là thời điểm giao mùa từ hè sang thu, nắng mưa thất thường, độ ẩm cao dễ dẫn đến một số bệnh về đường hô hấp cho trẻ. Đặc biệt, khi bắt đầu năm học mới, học sinh trở lại trường học, việc chủ động bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho trẻ càng trở nên quan trọng.
Thời điểm này, mỗi ngày Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Hà khám và điều trị cho khoảng 20 bệnh nhi. Theo bác sỹ Cư Seo Say, Trưởng khoa Nhi, thời điểm giao mùa, trẻ có hệ miễn dịch yếu sẽ dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm mũi, họng, viêm phế quản, viêm amidan, viêm xoang. Đặc biệt, bệnh thường gặp hơn ở những trẻ bị sinh non, suy dinh dưỡng hoặc có các bệnh mãn tính kèm theo.
Cũng theo bác sỹ Say, nhiều vi trùng gây bệnh hô hấp có thể truyền từ người này sang người khác bằng cách hít vào những giọt nước bọt từ người bệnh lúc họ ho, hắt hơi, hay chạm vào mũi, miệng, mắt sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc sờ, chạm vào bề mặt có vi-rút gây bệnh. Không chỉ do thời tiết, các bệnh về hô hấp còn dễ mắc do môi trường sống ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá... Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên tránh đưa trẻ đến nơi đông người, dễ tiếp xúc với nguồn bệnh; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, tạo thói quen xúc miệng nước muối, rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Cha mẹ cũng cần vệ sinh môi trường sống, giữ ấm cơ thể trẻ khi trời lạnh.
Đặc biệt, bệnh cúm mùa dễ phát sinh trong thời tiết giao mùa, đây là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt đột ngột, ho, đau đầu, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi. Bệnh cúm mùa thường lành tính nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người già, trẻ em dưới 5 tuổi hoặc phụ nữ có thai. Bệnh có thể gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Để phòng bệnh, người dân có thể tiêm vắc-xin phòng cúm mùa. Tiêm vắc-xin cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, phòng, chống nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp.
Gần đây, tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai ghi nhận một số trường hợp bệnh nhi bị sốt mò. Đây cũng là bệnh thường gặp ởvùng cao. Sốt mò là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi ấu trùng mò bị nhiễm vi khuẩn Orientia tsutsugamushi. Bệnh ở trẻ em thường khó phân biệt, bởi ban đầu triệu chứng không điển hình, khi được điều trị sớm, đúng kháng sinh sẽ cho kết quả tích cực. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bác sỹ Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai cho biết: Để phòng bệnh, người dân cần phát quang bụi rậm quanh nhà, phun thuốc diệt mò. Khi đi làm cần mặc áo dài tay, mang ủng, tránh nằm, đặt dụng cụ cá nhân trên bãi cỏ, gần bờ bụi. Khi trẻ có dấu hiệu bị nhiễm bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế, tránh tự ý dùng thuốc tại nhà sẽ có thể khiến bệnh thêm nghiêm trọng.
Hiện nay, học sinh đi học trở lại sau thời gian nghỉ hè dài, sự thay đổi về môi trường, tiếp xúc nhiều hơn dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là đối với nhóm trẻ mầm non, tiểu học còn nhỏ, hệ thống miễn dịch còn yếu dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, như tay chân miệng, sởi, thủy đậu hoặc các bệnh về đường hô hấp(cảm cúm, viêm mũi họng...).
Chị Nguyễn Lan Anh, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) có con gái vào học lớp 2 chia sẻ: Để chuẩn bị cho con có sức khỏe tốt khi đi học trở lại, trong hè tôi tăng cường dinh dưỡng cho con, cho con chơi thể thao, hướng dẫn con vệ sinh cá nhân, thường xuyên xúc miệng nước muối. Tôi cũng rèn cho con ngủ, nghỉ đúng giờ, khi đi học trở lại sẽ không mệt mỏi.
Các trường họctrên địa bàn đã chủ động vệ sinh, khử khuẩn để đón học sinh trở lại, bên cạnh đó, hướng dẫn phụ huynh, học sinh thực hiện đúng các yêu cầu theo thông điệp “5K” của Bộ Y tế để phòng, chống dịch Covid-19. Sự chủ động của gia đình và nhà trường sẽ góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ trước thời điểm giao mùa, để trẻ bắt đầu một năm học mới an toàn, khỏe mạnh.