Chủ động phòng bệnh đau mắt đỏ

Thời gian gần đây, một số tỉnh, thành xuất hiện nhiều trường hợp đau mắt đỏ. Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan nhanh và bùng phát thành dịch ở một số nơi; thậm chí có nhiều ca biến chứng nặng, ảnh hưởng đến thị lực. Trên địa bàn Điện Biên đã xuất hiện một số ca đau mắt đỏ, nhưng chưa có trường hợp biến chứng nặng. Bệnh đau mắt đỏ không quá nguy hiểm song xuất hiện, lây nhiễm từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể mắc; nếu chủ quan có thể gây biến chứng phức tạp và ảnh hưởng thị lực.

Bác sĩ Phòng Khám đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khám mắt cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phòng Khám đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) khám mắt cho bệnh nhân.

Tại Phòng Khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh dù chưa tiếp nhận các trường hợp biến chứng do bệnh đau mắt đỏ gây ra, song các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần chú ý phòng, tránh cũng như tuân thủ các quy định về chữa bệnh để tránh biến chứng đáng tiếc. Bác sỹ CKI Nguyễn Văn Tiệp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thực ra bệnh đau mắt đỏ là bệnh mang tính chất lành tính không quá phức tạp và xảy ra kháphổ biến với mọi lứa tuổi. Bệnh thường bùng phát vào thời điểm mùa hè khi thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, công tác vệ sinh chưa tốt... Nếu người dân không chú ý phòng ngừa, bệnh rất dễ phát triển và bùng phát thành dịch. Từ đó ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có thể gây biến chứng ảnh hưởng thị lực. Cần chú ý các trường hợp người dân chữa tại nhà, tự mua thuốc điều trị hay mua thuốc không đúng chỉ dẫn, chăm sóc mắt không tốt dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng giác mạc. Do đó, khi có dấu hiệu đau mắt đỏ, người dân nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc ở nhà. Cách ly không dùng chung các vật dụng như khăn mặt, kính đeo, đồ trang điểm và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch… Đặc biệt lưu ý, người bệnh đau mắt đỏ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt hay đun lấy nước rửa mắt theo cách chữa trị dân gian, vì như vậy không đảm bảo vệ sinh và có thể gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt.

Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế, địa phương tăng cường công tác phòng chống đau mắt đỏ; trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh là đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng hóa chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch. Theo dõi, đánh giá tình hình bệnh đau mắt đỏ, trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh đau mắt đỏ hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Trần Thanh Bình, Phó phòng Khám đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Ở các địa phương khác rất nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ và xảy ra tình trạng viêm giác mạc và mủ tiền phòng, ảnh hưởng đến thị lực. Tại địa bàn Điện Biên, nhiều trường hợp di chuyển từ các tỉnh thành khác trở về cũng mắc đau mắt đỏ. Tuy nhiên, các bệnh nhân đều tự mua thuốc điều trị, rất ít trường hợp đến thăm khám tại các cơ sở y tế. Vậy nên, rất khó thống kê các trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn trong thời gian qua. Thực tế, bệnh đau mắt đỏ rất dễ lây lan, nhất là trong các nhà trường. Trong khi các em học sinh lứa tuổi còn nhỏ, hiểu biết hạn chế, chưa biết cách phòng tránh nên tỷ lệ lây lan trong nhà trường khá phổ biến. Vì vậy, khi có học sinh mắc bệnh đau mắt đỏ, các bậc phụ huynh, nhà trường chủ động cho học sinh cách ly tại nhà tránh lây lan trên phạm vi rộng. Các trường học, cơ sở giáo dục đào tạo cần tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.

Trước nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ trong cộng đồng, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và biện pháp phòng tránh, chủ động bảo vệ sức khỏe gia đình và cộng đồng. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, không để dịch lan rộng. Đồng thời tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các ca bệnh nặng, hạn chế tối đa biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ. Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, điều trị bệnh đau mắt đỏ và đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thực hiện biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ; tránh lây lan và bùng phát thành dịch trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/209506/chu-dong-phong-benh-dau-mat-do