Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu đầu tư mua mới nhiều trang thiết bị phục vụ chữa cháy rừng. Ảnh: ANH NGỌC

Chi cục Kiểm lâm (Sở NN-PTNT) đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy của các chủ rừng và một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các chủ rừng và địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung phương án sát với thực tế, mua sắm thêm trang thiết bị chữa cháy và chủ động ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Chủ động triển khai phương án

Theo Chi cục Kiểm lâm, mùa khô năm nay đến sớm, hiện thảm thực bì ở một số khu rừng đã khô, nếu không cẩn thận thì rất dễ phát sinh lửa và gây cháy rừng, nhất là các địa phương ở miền núi. Để chủ động ứng phó, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, các phương án triển khai của các chủ rừng và một số địa phương có rừng.

Xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 43.790ha, trong đó đất có rừng khoảng 37.890ha. Ông Sô Minh Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã này cho biết: Phú Mỡ đã kiện toàn Ban chỉ huy Các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của xã, đồng thời thành lập 5 tổ bảo vệ và PCCCR với khoảng 40 người. Có 2 doanh nghiệp và 26 hộ, cá nhân trồng rừng trên địa bàn đã xây dựng phương án PCCCR và ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR.

Địa phương cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực PCCCR; thường xuyên cập nhật, chuyển thông tin cấp dự báo cháy rừng đến các đơn vị, chủ rừng và các hộ dân trên địa bàn. Địa phương còn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng, nhất là những khu vực dễ xảy ra cháy, đồng thời hướng dẫn việc phát đốt rẫy và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng.

Theo Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu, tổng diện tích tự nhiên do đơn vị quản lý hơn 13.532ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 7.566ha, rừng sản xuất hơn 5.401ha, còn lại là đất ngoài quy hoạch. Những năm qua, trên địa bàn TX Sông Cầu nói chung và lâm phần đơn vị quản lý nói riêng nguy cơ dẫn đến cháy rừng chủ yếu do người dân đốt dọn thực bì gây cháy lan vào rừng; người dân đốt cỏ tranh, đốt tổ ong để lấy mật, đốt vàng mã tại các khu nghĩa trang gần rừng…

Ông Nguyễn Viết Thu, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu, cho hay: Đơn vị luôn xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, hàng năm chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan với phương châm “phòng là chính, chữa cháy rừng phải khẩn trương và triệt để”.

Ban quản lý Rừng phòng hộ Sông Cầu đã phát dọn thực bì với diện tích rừng trồng khoảng 220ha, làm đường ranh cản lửa với chiều dài khoảng 120km, xây dựng 3 trạm bơm nước, 3 chòi canh lửa, làm mới băng cản lửa trên diện tích rừng trồng khoảng 12.000m2. Đơn vị cũng đã đầu tư nhiều công cụ, trang thiết bị chữa cháy như 6 máy phun nước, 6 bình chống cháy, 4 máy thổi gió, 2 máy cắt thực bì và nhiều công cụ khác như máy cưa xăng, cào cỏ, cuốc, rựa, bàn đập lửa…

Còn theo Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý khoảng 14.140ha gồm 27 tiểu khu. Ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa, cho biết: Đơn vị đã duy tu băng cản lửa xung quanh rừng trước mùa khô nhằm làm giảm vật liệu cháy, đồng thời phát ranh đốt chặn có kiểm soát những nơi thực bì có nhiều cỏ tranh, lau lách nằm bên ngoài rừng để cách ly vật liệu cháy lan vào rừng.

Ban quản lý Rừng phòng hộ Sơn Hòa cũng đã xây dựng phương án PCCCR, triển khai quy chế phối hợp với các đơn vị, địa phương và chủ rừng khu vực giáp ranh nhằm hạn chế tình trạng phá rừng và phòng cháy rừng.

Tạm dừng xử lý thực bì bằng lửa

Tại huyện Đồng Xuân, địa phương đã triển khai công tác PCCCR đến các xã, thị trấn và chủ rừng. Theo đó, huyện yêu cầu lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương và chủ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra hoạt động phát dọn thực bì có sử dụng lửa nhằm ngăn chặn kịp thời các sự cố cháy rừng có thể xảy ra.

Khi triển khai phương án, phương châm “4 tại chỗ” là chính, đồng thời tổ chức lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, phát hiện sớm điểm cháy và huy động lực lượng tại chỗ để xử lý kịp thời.

Lực lượng kiểm lâm và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng cháy tại khu rừng trồng thuộc xã Xuân Cảnh (TX Sông Cầu). Ảnh: ANH NGỌC

Huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn và chủ rừng chủ động cập nhật thông tin cảnh báo cháy rừng từ ngành Kiểm lâm để có phương án ứng phó cụ thể và phân công lực lượng trực trong suốt mùa khô. “Mặc dù địa phương đã tăng cường tuyên truyền, nhưng khó khăn nhất hiện nay là ý thức của người dân sống gần rừng chưa cao nên nhiều lúc sử dụng lửa bất cẩn dẫn đến cháy rừng, trong khi các trang thiết bị, công cụ phục vụ chữa cháy của các chủ rừng và địa phương còn thiếu…”, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân nói.

Còn theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, huyện đã triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR trên địa bàn ngay từ đầu năm. Các địa phương cũng đã kiện toàn ban chỉ huy, tổ kiểm tra liên ngành cấp xã, hướng dẫn các chủ rừng phát dọn thực bì, giảm vật liệu cháy trước khi bước vào mùa khô. Khi xảy ra cháy rừng, các chủ rừng, đơn vị chức năng, địa phương phải khẩn trương triển khai phương án với phương châm “chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả và an toàn”.

Hạt Kiểm lâm huyện cử lực lượng phối hợp với các địa phương, chủ rừng tăng cường công tác quản lý, tuần tra và kiểm tra việc xây dựng phương án PCCCR của các chủ rừng.

Ông Nguyễn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Chi cục đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra công tác bảo vệ và PCCCR tại các địa phương, các chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Theo quy định hiện nay, các chủ rừng và các địa phương phải xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và PCCCR. Qua công tác kiểm tra, nhìn chung các chủ rừng và các địa phương đều xây dựng phương án PCCCR, triển khai lực lượng tham gia các tổ, đội PCCCR.

Đến nay, các chủ rừng đã chủ động kiểm tra, rà soát các khu vực rừng trọng điểm cháy, triển khai duy tu, sửa chữa đường băng cản lửa; sửa chữa phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng và phân công lực lượng trực PCCCR. Tuy nhiên, một số địa phương và chủ rừng khi xây dựng phương án vẫn chưa sát với thực tế, trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy rừng còn thiếu, công tác tuyên truyền về bảo vệ và PCCCR chưa sâu rộng…

Ông Nguyễn Nghĩa cho biết thêm, thời gian qua, khu vực rừng trồng trên địa bàn tỉnh là khu vực thường xuyên có nguy cơ xảy ra cháy cao. Hiện Phú Yên nằm trong khu vực báo động nguy cơ cháy rừng, các địa phương cần thông báo rộng rãi cho chủ rừng và người dân biết để tạm dừng mọi hoạt động có sử dụng lửa trong rừng, ven rừng và dùng lửa đốt thực bì trong suốt mùa khô năm nay.

Các đơn vị liên quan cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, kịp thời thông báo cho các chủ rừng và người dân biết để chủ động phòng cháy rừng và triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra. Chi cục Kiểm lâm tiếp tục cập nhật và báo cáo kịp thời các điểm cháy phát hiện qua ảnh vệ tinh để có phương án xử lý sớm. Các đơn vị liên quan, chủ rừng và địa phương tiếp tục bố trí lực lượng trực PCCCR, tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về an toàn PCCCR.

Trong thời điểm khô hanh kéo dài, cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở cấp nguy hiểm và cấp cực kỳ nguy hiểm (cấp IV và cấp V) các chủ rừng phải đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ trên lâm phần quản lý; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào những khu rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254449/chu-dong-phong-chay-chua-chay-rung.html