Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, không khí lạnh đã ảnh hưởng các tỉnh phía đông Bắc Bộ, bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ, bắc và trung Trung Bộ có mưa.
Bắc Bộ và bắc Trung Bộ trời rét; riêng phía đông Bắc Bộ có rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất khoảng từ 12 đến 150C, vùng núi từ 8 đến 110C. Hôm nay (10-2), vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực bắc Biển Ðông gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; vùng biển từ Bình Ðịnh đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Ðông và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Ðông gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động. Sóng biển cao từ
2 đến 3 m.
Theo Tổng cục Thủy lợi, đến nay, các địa phương khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ đã lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2019 -2020 đạt 506.745 ha, tương đương 95,4% diện tích gieo cấy của khu vực. Nhiều địa phương đã lấy đủ nước cho 100% diện tích gieo cấy là Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình. Các địa phương khác có diện tích lấy nước cao như: Nam Ðịnh 98,9%, Phú Thọ 97,6%, Bắc Ninh 97%, Ninh Bình 95,7%.
Ðến ngày 9-2, toàn TP Hà Nội gieo cấy được hơn 23 nghìn ha cây trồng vụ đông xuân, đạt khoảng 26% kế hoạch. Ngày cuối trong đợt 2 lấy nước vụ đông xuân, các doanh nghiệp thủy lợi đang vận hành 121 trạm bơm, với tổng số máy là 240 máy bơm các loại; tổng lưu lượng 343.500 m3/giờ. Ðến nay, diện tích canh tác vụ đông xuân của Hà Nội đã có nước đạt khoảng 76.230 ha, bằng gần 85% kế hoạch.
Tại huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng) xuất hiện sương muối làm từ 20 đến 30% trong tổng số khoảng 3.500 ha cây cà-phê bị ảnh hưởng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương đang phối hợp các cấp chính quyền tuyên truyền phương pháp khắc phục hậu quả của sương muối, hướng dẫn nông dân khắc phục những diện tích bị ảnh hưởng.
Những ngày qua, nước mặn theo sông, rạch xâm nhập vào địa bàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), với nồng độ mặn tăng đột biến ở mức 1,6‰. Các địa phương trong huyện đã chuẩn bị các đập thời vụ và các cống, trạm bơm, sẵn sàng để ứng phó khi mặn lên cao. UBND tỉnh chỉ đạo khi phát hiện độ mặn vượt mức 1,5‰ thì đóng các cống, đắp đập thời vụ để ngăn mặn hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng sản xuất và đời sống.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, đầu tháng 2-2020, độ mặn đo được tại các trạm trên sông Hậu ở Trần Ðề là 13,8‰, Long Phú 10,6‰, Ðại Ngai 6,6‰; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận 15,9‰; Thạnh Phú (Nhu Gia) 6,8‰; trên sông Ðinh (TP Sóc Trăng) 5,0‰… ảnh hưởng đến 2.160 ha lúa. Ðể bảo vệ diện tích cây trồng, tỉnh chỉ đạo các đơn vị thực hiện quan trắc, theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, nguồn nước tại các công trình đầu mối để vận hành đóng, mở cửa cống hợp lý.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 73 xã thuộc 10 huyện, thị xã với khoảng 26.572 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Trung tâm nước sạch vệ sinh nông thôn tỉnh đã nâng cấp mở rộng tuyến ống cấp nước với chiều dài gần 720 nghìn mét, phục vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho 21.622 hộ dân; đầu tư xây dựng mới ba trạm cấp nước tập trung với kinh phí 45 tỷ đồng, cấp nước cho 2.772 hộ dân.
Tại Bạc Liêu, do thiếu nước cho nên xâm nhập mặn vào sâu nội đồng ngày càng nhanh, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5.000 ha nuôi tôm. Ðáng chú ý, vùng ngọt hóa trên địa bàn thị xã Giá Rai, có hàng nghìn ha lúa đối mặt nguy cơ chết khô vì thiếu nước ngọt. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ thuộc ấp 19, xã Phong Tân, là nguồn nước ngọt chính cho xã đã cạn trơ đáy. Nhiều hộ đã phải vét nước còn sót lại dưới đáy kênh có nhiễm phèn để cứu lúa trong thời gian chờ ngành chức năng điều tiết nước ngọt.
Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục đã có văn bản đề nghị chi cục kiểm lâm 11 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên kiểm tra, rà soát lại các phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng (PCCR) ở tất cả các cấp và chủ rừng; bố trí cán bộ, phương tiện, trang thiết bị trực và ứng trực, phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, sẵn sàng phương án ứng phó, xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng.
Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Kon Rẫy (Kon Tum) quản lý hơn 29 nghìn ha rừng. Ðể PCCR trong mùa khô, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng phương án PCCR, nhất là khu vực rừng thông trồng 600 ha. Ngoài lực lượng hiện có, đơn vị ký hợp đồng thời vụ với 15 người dân để thay nhau túc trực 24 giờ/ngày tại các chốt canh lửa.
Tỉnh Lâm Ðồng cũng đã có các quy định cụ thể để bảo đảm an toàn cho cây rừng, trong đó xác định khi thời điểm dự báo cháy rừng chuyển sang cấp II, chỉ được phép đốt dọn từ 16 giờ hôm trước đến 10 giờ hôm sau, tuyệt đối không được đốt dọn khi dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh có gần 42 nghìn ha đang khô hạn gay gắt, nguy cơ cháy rừng là rất cao... Ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các chủ rừng tăng cường lực lượng, phương tiện ứng trực kịp thời tại những nơi có nguy cơ cháy cao để chủ động, ngăn ngừa và kiểm soát kịp thời khi có cháy xảy ra.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, năm nay lượng mưa ít, nắng hạn nhiều cho nên rừng khô nhanh và dự báo PCCR gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm, ngành kiểm lâm hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án PCCR. Ðến nay, công tác PCCR ở Kiên Giang đã sẵn sàng, với phương châm "bốn tại chỗ". Ðối với các đảo khó trữ nước, ngoài việc đào các giếng, tỉnh chỉ đạo mua các bồn nhựa loại 2.000 đến 5.000 m3, bố trí tại các điểm có nguy cơ cháy cao, nhằm ứng phó kịp thời với nguy cơ cháy rừng.