Chủ động phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện giao thông

Diễn tập PCCC tại Hầm đường bộ Đèo Cả - Ảnh: NHƯ THANH

Cháy nổ trên các phương tiện ô tô, xe máy luôn để lại nhiều thiệt hại về người, tài sản cũng như gây mất an toàn giao thông. Trước tình hình đó, các ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các phương tiện khi lưu thông trên đường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy ô tô kinh doanh vận tải. Nguyên nhân của các vụ cháy chủ yếu là do chủ phương tiện không chú trọng lắp đặt thiết bị cũng như thiếu kỹ năng PCCC.

Nhiều nguy cơ mất an toàn

Theo Thông tư 57/2015/TT-BCA hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, tất cả ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị một trong các thiết bị sau: bình bọt chữa cháy loại dưới 5lít, bình nước với chất phụ gia chữa cháy dưới 5lít, bình khí CO2 chữa cháy dưới 4kg. Điều này sẽ góp phần giúp tài xế chủ động nếu xảy ra cháy.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc lắp đặt bình cứu hỏa chỉ được các tài xế thực hiện theo kiểu đối phó. Anh Nguyễn Văn Nam ở TP Tuy Hòa cho biết: Hôm rồi tôi đi taxi, vừa bước lên xe thì dậm trúng bình cứu hỏa.

Hỏi thì được tài xế bảo là bình chữa cháy phải để trên xe theo quy định. Nói xong anh ta cầm bình để phía sau ghế, một vị trí cách xa tầm tay của người lái. Tôi nghĩ bình chữa cháy phải đặt ở nơi thuận tiện để tài xế có thể xử lý nhanh nhất khi sự cố xảy ra thì mới phát huy được hiệu quả.

Hiện nay, đa số xe khách, xe du lịch đều lắp thêm các thiết bị điện ngoài thiết kế của xe để phục vụ nhu cầu giải trí, khiến nguồn điện của xe bị quá tải, dẫn đến nguy cơ chập, cháy rất cao. Khi cháy, nổ xảy ra không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của hành khách cũng như người tham gia giao thông.

Theo ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GT-VT, tâm lý chủ quan của các chủ phương tiện, tài xế trong công tác PCCC là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ cháy, nổ. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh năm nào cũng có sự cố cháy phương tiện giao thông.

Điển hình như vụ cháy vào tháng 5/2018 trên quốc lộ 1 đoạn qua TX Sông Cầu. Một xe đầu kéo đã bị cháy toàn bộ phần đầu xe. Trước đó, một xe khách giường nằm 46 chỗ cũng lưu hành trên quốc lộ 1 bị cháy toàn bộ xe và tài sản của hành khách.

Nguyên nhân của hai vụ cháy này do chủ phương tiện lắp đặt thêm các thiết bị điện gây quá tải, dẫn đến sự cố chập điện; không tuân thủ quy trình vận hành, bảo dưỡng và kỹ năng xử lý khi có cháy xảy ra.

Triển khai nhiều giải pháp

Vừa qua, Sở GT-VT phối hợp với Công an tỉnh tổ chức đợt tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật; kiến thức, kỹ năng về PCCC, cứu nạn cứu hộ (CNCH) cho chủ các cơ sở, chủ phương tiện, người làm việc trên các phương tiện kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi diễn tập, học viên được phổ biến các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH đối với cơ sở kinh doanh vận tải, tài xế lái xe. Ngoài ra, các học viên còn được diễn tập tại hiện trường, thực hành sử dụng thông thạo các phương tiện, dụng cụ cứu hỏa tại chỗ, diễn tập phương án PCCC giả định…

Tham dự đợt tập huấn, anh Trần Thanh Tuấn, một lái xe khách ở TP Tuy Hòa cho biết: Lâu nay dù đã biết qua các thiết bị PCCC trên xe nhưng thật sự, tôi không thành thạo sử dụng. Qua đợt tập huấn, tôi cùng mọi người đã được luyện tập khả năng ứng phó với các tình huống thực tế như xử lý khi cháy bình xe, sự cố cháy nổ trên phương tiện giao thông…

Tại hầm đường bộ Đèo Cả, để đảm bảo an toàn PCCC và CNCH cho các phương tiện, hành khách trong lúc qua hầm, đơn vị quản lý đã đầu tư trên 50 tỉ đồng để trang bị các phương tiện và thiết bị phục vụ cho công tác giám sát và xử lý khi có sự cố xảy ra.

Theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả, trong công tác quản lý hầm thì PCCC là quan trọng nhất vì nó liên quan đến đảm bảo tính mạng con người, cũng như đảm bảo tài sản, phương tiện khi lưu thông qua hầm.

Các trang thiết bị được lắp đặt sẽ giúp thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư hậu cần tại chỗ) khi cần thiết.

Với 4 xe chữa cháy, 2 xe cứu hộ giao thông, 2 xe cứu thương, 1 xe bán tải chỉ dẫn giao thông, hàng chục camera giám sát giao thông, hàng trăm bình chữa cháy xách tay, hệ thống cấp nước…, cùng bộ phận nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp giúp đơn vị quản lý chủ động giải quyết kịp thời các sự cố cháy, nổ nhằm bảo đảm các điều kiện an toàn PCCC.

Để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, Xí nghiệp Quản lý vận hành hầm đường bộ Đèo Cả thường xuyên tổ chức diễn tập PCCC dưới sự giám sát của các ngành chức năng.

Theo trung tá Đào Thế Hải, Phó Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh, kiến thức cũng như kỹ năng PCCC, CNCH rất quan trọng trong việc quản lý, điều khiển phương tiện.

Lực lượng cảnh sát PCCC-CNCH thường xuyên phối hợp với các đơn vị quản lý tổ chức kiểm tra trình độ nghiệp vụ chữa cháy và những biện pháp sơ cứu ban đầu đối với người bị nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Bên cạnh đó, các chủ phương tiện không lắp đặt thêm thiết bị điện, phụ kiện không đúng theo thiết kế của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn cho phương tiện khi lưu thông trên đường.

NHƯ THANH - NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/222576/chu-dong-phong-chay-chua-chay-tren-cac-phuong-tien-giao-thong.html