Chủ động phòng chống bệnh lao trong tình hình mới

Để thực hiện tốt hoạt động phòng chống lao nhưng vẫn phù hợp với tình hình COVID-19, thời gian qua, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh đã chủ động đưa máy móc, trang thiết bị y tế về tận cộng đồng để thực hiện khám sàng lọc bệnh lao cho người dân. Qua sàng lọc đã phát hiện nhiều trường hợp bị bệnh, từ đó điều trị kịp thời, góp phần hạn chế được nguồn lây trong cộng đồng.

 Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh -Ảnh: T.H

Khám cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh -Ảnh: T.H

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đặng Thắng, Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị cho biết: “Mặc dù chúng ta đang cố gắng đẩy lùi COVID-19 nhưng cũng không quên rằng còn có các bệnh truyền nhiễm hô hấp khác có các triệu chứng tương tự COVID-19, rất nguy hiểm. Lao chính là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thậm chí còn dễ lây lan ra cộng đồng nếu không được chữa trị, điều trị đúng”.

Bệnh lao được xem là “kẻ giết người thầm lặng” bởi không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn, nên từ khi phát bệnh đến khi tử vong đã lây sang rất nhiều người khác. Lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày có hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao.

Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Với 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động dẫn đến hệ lụy cho các gia đình khi phải đối mặt với chi phí lớn trong chẩn đoán và điều trị, chi phí gián tiếp lớn nhất của bệnh lao đối với bệnh nhân là thu nhập do tình trạng bệnh quá nặng không thể làm việc được. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của COVID-19 nên việc tiếp cận với các dịch vụ y tế của người dân, nhất là người nghèo, vùng sâu, vùng xa thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỉ lệ mắc lao đang có chiều hướng gia tăng trở lại, đặt ra nhiều thách thức cho công tác phòng chống lao.

Tại Quảng Trị, theo số liệu năm 2019, có khoảng 800 bệnh nhân lao được phát hiện và điều trị tại bệnh viện. Thời gian này, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi vẫn triển khai thực hiện song song 2 nhiệm vụ vừa khám sàng lọc bệnh lao, vừa chăm sóc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đặc biệt, để phù hợp với tình hình COVID-19, bệnh viện đã chủ động phối hợp với các đơn vị y tế tuyến cơ sở tổ chức đưa máy móc, trang thiết bị y tế về tận thôn, bản để thực hiện sàng lọc bệnh lao cho người dân, đồng thời tổ chức điều trị ngoại trú cho bệnh nhân lao. Bởi việc phát hiện sớm, chủ động truy vết bệnh lao không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây cho cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Mẫn, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, chia sẻ: “Tôi được cán bộ trạm y tế thông báo đến trạm để được các y, bác sĩ của Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi khám sáng lọc, chụp X-Quang nhằm phát hiện bệnh lao. Được các y, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách phòng bệnh, chúng tôi rất vui mừng. Tôi thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa giúp cho người dân thị trấn Cửa Việt được tiếp cận dịch vụ cũng như khám và phát hiện bệnh lao trong cộng đồng”. Ông Trần Hữu Phước, Trưởng trạm Y tế thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, cho biết: “Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, giám sát và quản lý các bệnh nhân lao tại nhà, phối hợp với Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi khám sàng lọc cho bệnh nhân tại cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động phòng chống lao cho bà con”.

Do vừa phải đảm bảo công tác khám, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng chống COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Trong 2 năm qua, Bệnh viện Chuyên khoa Lao và bệnh Phổi trên cả nước tích cực tham gia công tác chống COVID-19. Hầu hết các can thiệp chống lao được áp dụng cho COVID-19 do có những điểm tương đồng, vì vậy nhiều địa phương đã chuyển công năng sang điều trị COVID-19. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động chống lao, thậm chí làm gián đoán, đứt gãy mạng lưới chống lao các tuyến, người bệnh lao không biết đến đâu để chẩn đoán, phát hiện, điều trị, làm gia tăng nguồn lây lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tử vong.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Thắng cho biết thêm: “Để triển khai công tác phòng chống lao được tốt, chúng tôi triển khai nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế đến tại cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát hiện chủ động những trường hợp tổn thương do bệnh lao cũng như những tổn thương do hậu COVID-19 để tư vấn điều trị cho bệnh nhân tại cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi vừa đảm bảo các phương án chống COVID-19, vừa đảm bảo khám điều trị bệnh lao nội trú tại bệnh viện. Đây cũng là mong muốn của những bệnh nhân lao”.

Có thể thấy, để đạt được tiến trình thanh toán bệnh lao như mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, ngành y tế cần phải tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống lao, trong đó tăng cường chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao.

Phan Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=166553&title=chu-dong-phong-chong-benh-lao-trong-tinh-hinh-moi