Chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo mục tiêu phòng chống sốt xuất huyết (SXH), Sở Y tế vừa yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Về công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, giám sát chặt chẻ tình hình bệnh nhân SXH trên địa bàn, đảm bảo phát hiện bệnh nhân sớm để điều trị kịp thời, tránh bệnh chuyển độ nặng. Tổ chức xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn chống dịch SXH tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.

Trẻ em bị bệnh sốt xuất được điều trị cơ sở y tế, Ảnh: Tư liệu

Trẻ em bị bệnh sốt xuất được điều trị cơ sở y tế, Ảnh: Tư liệu

Duy trì và phát triển mạng lưới công tác viên phòng, chống SXH tại cộng đồng. Triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và công đồng, cụ thể: đậy kín không cho muỗi vào đẻ trứng, thả cá ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước lớn, cọ rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lập úp các dụng cụ không dùng nhưng có khả năng chứa nước, bỏ muối hoặc dầu vào các dụng cụ kê chân tủ, thường xuyên thay nước bình hoa, thu dọn các vật phế thải dễ gây đọng nước ở xung quanh nhà như cahi, lọ, vỏ dừa, lớp xe...

Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng chống SXH. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện.

Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Chỉ đạo các phòng khám tư nhân, các tuyến điều trị thực hiện tốt việc theo dõi bệnh nhân và chuyển tuyến kịp thời.

Vê công tác điều trị SXH Dengue (SXHD), các đơn vị cần rà soát, điều chỉnh lại các qui trình tiếp nhận, sang lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXHD cho phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, khám lại SXHD.

Tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải các tuyến, cố gắng sắp xếp không để người bệnh nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định, tư vấn, giải thích để chuyển người bệnh về tuyến dưới theo dõi, chăm sóc.

Tăng cường việc theo dõi người bệnh SXHD tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong các ngày nghỉ Lễ, nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời các ca bệnh SXHD có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.

Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc chịu trách nhiệm củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD” và “Đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.

Bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc phải là HES 200 6% (trọng lượng phân tử 200.000 dalton).

Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận có 1.351 ca mắc SXH, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm 2018 (787 ca). 10/12 huyện, thị xã, thành phố có số mắc SXH cao hơn cùng kỳ năm 2018 nhưng chưa ghi nhận địa phương xảy ra dịch SXH.

Thành Nguyễn

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-85628.aspx