Chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm mùa hè

Nắng nóng, mưa nhiều, kèm theo những diễn biến bất thường của thời tiết là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh và phát triển trong mùa hè, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như bệnh tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do vi rút, viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản... nguy cơ mắc và tử vong ở trẻ em rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, công tác phòng, chống các bệnh truyền nhiễm cần được các cấp, các ngành và người dân thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, không để “dịch chồng dịch” trên địa bàn.

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Ảnh: Kim Ly

Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn là biện pháp phòng bệnh tốt nhất đối với trẻ nhỏ. Ảnh: Kim Ly

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh cho biết, những tháng đầu năm 2022, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ em và học sinh được nghỉ học, các bệnh truyền nhiễm của trẻ được phòng bệnh tương đối tốt, có rất ít các ca bệnh phải nhập viện điều trị.

Hiện tại, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, học sinh các cấp học đã đi học trở lại, cuộc sống học tập, lao động trở lại bình thường, nên nguy cơ bùng phát và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm cũng sẽ cao hơn.

Theo mô hình dịch hằng năm, mùa hè là mùa của nhiều bệnh truyền nhiễm phát triển, mọi người đều có thể mắc bệnh. Tuy nhiên, lứa tuổi dễ mắc bệnh nhất là trẻ em; nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện, chưa có khả năng chống lại vi khuẩn, vi rút gây bệnh, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng về sức khỏe, thể chất, tinh thần, thậm chí tử vong.

Điển hình như mới đây, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh đã tiếp nhận bệnh nhi H.Đ.D, 29 tháng tuổi ở thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương vào viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở, tím tái, suy hô hấp.

Qua lời kể của người nhà bệnh nhi, được biết, gia đình đã tự điều trị tại nhà cho trẻ 2 tuần nhưng không thấy khỏi bệnh. Sau khi được bác sĩ thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán viêm thanh khí phế quản cấp toàn bộ đường phế quản dưới suy hô hấp. Ngay sau đó, bệnh nhi được cho thở oxi, điều trị bằng khí rung, chống viêm và kháng sinh. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi đã cai thở oxi, sức khỏe tiến triển tốt.

Theo thống kê từ đầu mùa hè đến nay, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh đã tiếp nhận hàng trăm trường hợp bệnh nhân đến khám với các dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn, vi rút, trong đó, mỗi ngày, có từ 5-10 trường hợp vào viện trong tình trạng nặng.

Sau thời gian dài phải cách ly do dịch Covid-19, năm nay, mô hình dịch có chút khác biệt so với các năm trước, phần lớn các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến bệnh hô hấp và có triệu chứng nặng hơn.

Để phòng bệnh hiệu quả cho bản thân và các thành viên trong gia đình, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cho biết, quan trọng nhất là giữ vệ sinh tay trước và sau khi ăn, đặc biệt đối với trẻ nhỏ; thực hiện ăn chín, uống sôi. Nếu trẻ bị bệnh nên cho trẻ ở nhà để tránh lây nhiễm sang trẻ khác. Đồng thời, cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo chương trình tiêm chủng mở rộng; nếu có điều kiện nên tiêm thêm một số loại vắc xin dịch vụ phòng các dịch bệnh như cúm, viêm não Nhật Bản…

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, ngoài dịch Covid-19 không có dịch lớn khác xảy ra trên địa bàn. 4 tháng năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 2.167 ca mắc cúm, 418 ca tiêu chảy, 60 ca viêm gan vi rút B, 21 ca tay chân miệng, 12 ca do vi rút Andeno, 10 ca thủy đậu, 8 ca quai bị…

Mặc dù nhiều bệnh truyền nhiễm không xuất hiện ca mắc mới, một số bệnh có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng hiện tại, sự giao lưu đi lại của người dân cao, trong khi ý thức và hành vi vệ sinh phòng bệnh của người dân chưa tốt nên vẫn cần thận trọng với một số bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, như cúm các loại, ho gà, tiêu chảy, thủy đậu...

Trẻ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại trường. Ảnh: Kim Ly

Trẻ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên tại trường. Ảnh: Kim Ly

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa Hè năm 2022, không để “dịch chồng dịch”, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền như tiêu chảy do vi rút Rota, tay chân miệng, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não… và các dịch bệnh mùa hè khác.

Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các đơn vị y tế xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa hè và triển khai nhiều hoạt động cụ thể trên địa bàn các huyện, thành phố.

Chú trọng công tác tiêm chủng, không chỉ đảm bảo các mũi tiêm cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà còn vận động toàn thể nhân dân tiêm phòng nhắc lại các mũi nhằm tăng kháng thể chống lại bệnh tật; tăng cường giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân trên hệ thống phát thanh của các xã, phường, thị trấn; kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám, chữa bệnh; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất chống dịch, thu gom, xử lý ổ bọ gậy; thành lập các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các xã, phường trong việc điều tra và xử lý triệt để ổ dịch.

Ngành Y tế khuyến cáo, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè hiệu quả, ngoài nỗ lực của các cấp, ngành, người dân cũng cần nêu cao ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi phát hiện bệnh không tự ý điều trị tại nhà mà đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/77504/chu-dong-phong-chong-benh-truyen-nhiem-mua-he.html