Chủ động phòng, chống bệnh viêm gan do vi rút
Viêm gan do vi rút là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về sức khỏe, dẫn đến tử vong do các biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan và ung thư gan. Mặc dù Vĩnh Phúc chưa thể thực hiện điều tra dịch tễ bệnh viêm gan vi rút trong những năm gần đây, tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 1.400-2.000 bệnh nhân viêm gan vi rút đến khám và điều trị (chiếm 70% các bệnh truyền nhiễm đang được điều trị tại bệnh viện).
Gánh nặng bệnh tật
Mệt mỏi, chán ăn trong thời gian dài, bác Nguyễn Văn T, 52 tuổi, ở xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì phát hiện bị viêm gan B.
Bác T cho biết: “Vài chục năm nay, nghĩ rằng không ốm đau, bệnh tật gì nên tôi rất ngại đến bệnh viện. Nếu cúm hay đau đầu thông thường, tôi cũng chỉ gắng gượng nằm nghỉ hoặc uống vài viên thuốc giảm đau. Dịp này, do mệt mỏi thường xuyên, sau nhiều lần được các con động viên, thuyết phục, tôi mới đi khám. Rất may, tôi được các bác sĩ phát hiện bệnh viêm gan B sớm và tư vấn điều trị ngoại trú rất chu đáo, đến nay, sức khỏe đã dần ổn định, không còn vàng da và mệt mỏi nhiều như trước”.
Không may mắn như bác T, cô Trần Thị M ở xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường dù biết mình bị viêm gan B từ năm 45 tuổi, nhưng khi đó không có điều kiện để điều trị. Đến nay, sau 10 năm, bệnh đã biến chứng sang ung thư gan. Khi biết tình trạng bệnh của mình, cô M rất suy sụp, nhưng được gia đình và các bác sĩ động viên, cô M luôn cố gắng tuân thủ nguyên tắc điều trị để có thể chiến thắng bệnh tật.
Đây là hai trong rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh viêm gan và ung thư gan do vi rút đã đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 5 loại vi rút (A, B, C, D, E) gây bệnh viêm gan với phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh khác nhau.
Trong đó, viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu, qua quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất.
Viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự vi rút viêm gan B. Viêm gan vi rút A và E lây truyền qua đường tiêu hóa do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ.
Vi rút viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 3 triệu ca nhiễm mới và 1,1 triệu người tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan B và C.
Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy, viêm gan vi rút là nguyên nhân đứng thứ 7 trong số các nguyên nhân gây chết người nhiều nhất. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B, viêm gan C cao.
Ước tính, cả nước có hơn 7,8 triệu người nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính; hơn 1 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C mãn tính. Điều này có nghĩa là, trong 9 người ở Việt Nam thì có một người bị nhiễm viêm gan B hoặc nhiễm viêm gan C. Gần 90% người ung thư gan đã hoặc đang nhiễm vi rút viêm gan B hoặc C.
Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Lan, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: "Hiện nay, bệnh viện đang điều trị ngoại trú viêm gan B cho hơn 1.000 bệnh nhân. Trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ người dân đến khám và phát hiện bệnh viêm gan do vi rút tăng cao, chủ yếu trong độ tuổi từ 30 trở lên.
Bên cạnh đó, do bệnh thường có một số biểu hiện không rõ ràng như vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, ăn khó tiêu, chán ăn, đầy bụng… nên đa số khi người dân có vấn đề về sức khỏe mới đi khám và phát hiện bệnh. Trong quá trình khám phát hiện rất nhiều trường hợp đã chuyển sang ung thư gan".
Chủ động xét nghiệm sàng lọc
Để phát hiện bệnh viêm gan vi rút thì biện pháp tối ưu nhất là thực hiện xét nghiệm máu. Đây là phương pháp đơn giản, không cần kỹ thuật cao, hiện nay, tại các cơ sở y tế tuyến huyện cũng có thể xét nghiệm sàng lọc phát hiện viêm gan do vi rút trong thời gian rất nhanh, giá thành rẻ.
Với thanh, thiếu niên và người lớn cần thực hiện xét nghiệm máu xem đã bị nhiễm viêm gan do vi rút chưa; nếu chưa mắc viêm gan do vi rút cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm kháng thể. Trong trường hợp đủ kháng thể thì không cần tiêm vắc xin phòng viêm gan B, còn nếu chưa đủ kháng thể thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân mình.
Những năm gần đây, công tác điều trị và dự phòng viêm gan B, viêm gan C đã có những tiến bộ rõ rệt. Vắc xin viêm gan B có hiệu quả cao khi tiêm liều đầu tiên cho trẻ trong vòng 24 giờ sau sinh và 3 liều cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi. Đáng chú ý, đến nay, đã có thuốc chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh vi rút viêm gan B và viêm gan C, vì thế, nếu được điều trị đúng phác đồ đều có kết quả tốt, người bệnh hoàn toàn ổn định khỏe mạnh, lao động, học tập bình thường.
Để phòng bệnh viêm gan do vi rút, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ đường lây nhiễm, ngành Y tế tỉnh khuyến cáo, người dân cần chủ động thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để xác định, chẩn đoán và kịp thời điều trị bệnh; thực hiện tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch cho trẻ.
Qua đó, góp phần giảm lây truyền, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đó cũng là mục tiêu chung UBND tỉnh đề ra tại Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 30/3/2022 về việc phòng, chống bệnh viêm gan vi rút trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.