Chủ động phòng, chống cháy rừng

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng - Thủy văn Lào Cai, mùa khô 2019 - 2020 thời tiết diễn biến phức tạp, hiện tượng băng giá, mưa tuyết có thể xảy ra làm chết cây cỏ. Khi nắng nóng, khô hạn kéo dài sẽ khiến thảm thực bì khô, gia tăng vật liệu cháy, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng, nhất là ở khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

Nguy cơ cháy rừng cao

Bát Xát là huyện có diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn. Theo kết quả tuần tra của lực lượng chức năng, nhiều diện tích rừng ở Bát Xát đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao bởi lớp thực bì ở những khu vực này khá dày và đã hoai mục, qua đợt nắng được hong khô rất dễ bắt lửa. Bên cạnh đó, mùa khô cũng là mùa đốt nương của người dân sống gần rừng nên càng dễ gây hỏa hoạn. Ông Giàng A Hòa, ở thôn Phìn Hồ, xã Y Tý cho biết: Mấy hôm trước, trên địa bàn xã xuất hiện băng tuyết khiến lớp cỏ thực bì dưới tán rừng bị chết, sau đó trời lại nắng và khô hanh nên lớp cỏ khô. Vì thế, tôi yêu cầu các thành viên trong gia đình cẩn trọng khi dùng lửa vì chỉ cần sơ ý là sẽ gây cháy lan ra rừng.

Hằng ngày, bộ phận trực PCCCR Chi cục Kiểm lâm tỉnh cập nhật thông tin về dự báo cháy rừng.

Hằng ngày, bộ phận trực PCCCR Chi cục Kiểm lâm tỉnh cập nhật thông tin về dự báo cháy rừng.

Xác định được những nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngành chức năng ở địa phương đã huy động tối đa nhân lực để thực hiện công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng. Ông Bùi Quốc Túy, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết: Thời gian vừa qua, Hạt Kiểm lâm huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách xử lý thực bì để làm đất sản xuất, trồng rừng; kiện toàn ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cấp huyện và 23 tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) cấp xã, 237 tổ quần chúng bảo vệ rừng cấp thôn; thường xuyên kiểm tra, thống kê, bảo dưỡng, sửa chữa dụng cụ phục vụ công tác PCCCR...

Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn được giao quản lý gần 25 nghìn ha rừng đặc dụng và đất lâm nghiệp. Nơi đây có hơn 2 nghìn loài động, thực vật quý hiếm, nguy cấp cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Diện tích rừng được giao quản lý lớn, chủ yếu nằm ở vùng xa, cuộc sống của người dân 3 xã gần rừng chủ yếu dựa vào rừng. Do vậy, tình trạng đốt nương, xử lý thực bì, khai thác tre, nứa, đốt ong lấy mật, đun nấu trong rừng vẫn diễn ra nên nguy cơ gây cháy rừng rất cao.

Từ thực tế trên, hằng năm, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn đều xây dựng lịch thường trực niêm yết tại trụ sở cơ quan, trụ sở UBND xã và các trạm bảo vệ rừng, đồng thời phân công cán bộ phụ trách các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, các khu vực rừng giáp ranh; giao các trạm kiểm lâm phối hợp với các thôn tuần tra, kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện cháy và có giải pháp ứng cứu kịp thời. Cùng với đó, đơn vị kiện toàn các ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tham mưu cho chính quyền địa phương và cơ quan xây dựng phương án, kế hoạch bổ sung, quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ ổn định, bảo đảm chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” khi có cháy rừng xảy ra.

Còn với huyện Si Ma Cai, rút kinh nghiệm từ vụ cháy rừng vào tháng 4/2019 do người dân đốt nương gây ra, huyện đã quán triệt thực hiện phương châm: Phòng là chính, chữa phải khẩn trương, kịp thời. Theo ông Nguyễn Huy Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, các lực lượng PCCCR cấp xã, huyện luôn sẵn sàng với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống cháy rừng

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 361.000 ha rừng, trong đó gần 217.000 ha rừng dễ xảy ra cháy, tập trung ở các huyện: Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai. Xác định rõ tính cấp bách “phòng cháy hơn chữa cháy”, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; triển khai đồng bộ các biện pháp PCCCR, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả phương án PCCCR của UBND cấp huyện, xã, chủ rừng, chú trọng các biện pháp tập huấn nghiệp vụ, diễn tập chữa cháy rừng, xử lý thực bì…

Trạm quan trắc khí tượng tự động được đặt tại xã Trịnh Tường (Bát Xát) để cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng.

Trạm quan trắc khí tượng tự động được đặt tại xã Trịnh Tường (Bát Xát) để cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng.

Để chủ động trong công tác dự báo, quan sát cháy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã lắp đặt 7 trạm khí tượng quan trắc tự động, có gắn camera hồng ngoại cảnh báo cháy rừng tại địa bàn các huyện có nguy cơ cháy rừng cao. Trên cơ sở theo dõi các yếu tố khí tượng, hệ thống sẽ tự động đưa ra mức cảnh báo cháy rừng trên địa bàn từng huyện. Kết quả cảnh báo cháy rừng được gửi qua thư điện tử hoặc tin nhắn đến bộ phận thường trực của chi cục kiểm lâm, hạt kiểm lâm và được kịp thời đăng tải trên các bản tin truyền thanh, truyền hình cấp huyện, từ đó đưa ra các biện pháp PCCCR có trọng tâm, trọng điểm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra việc thực hiện phương án PCCCR, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật PCCCR cho các chủ rừng, địa phương. Năm nay, các ngành chức năng và chính quyền các cấp đã kiện toàn và duy trì 172 ban chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững từ tỉnh đến xã, gần 1.700 tổ quần chúng bảo vệ rừng và tổ xung kích PCCCR cấp thôn...

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp với sự tham gia của các cấp, ngành chức năng và người dân trong tỉnh sẽ góp phần bảo đảm an toàn diện tích rừng trong mùa khô hanh 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/chu-dong-phong-chong-chay-rung-z5n2020010708444517.htm