Chủ động phòng, chống cháy rừng

Theo Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bình Phước, thời tiết trên địa bàn tỉnh những ngày qua nắng nóng, đêm không mưa nên nguy cơ cháy của các hiện trạng rừng đang ở cấp IV, cấp V - cấp cảnh báo cháy nguy hiểm đến cực kỳ nguy hiểm. Hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được các cấp, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp phòng ngừa.

Lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Phú tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng

Lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Phú tăng cường tuần tra, truy quét bảo vệ rừng

Tại huyện Đồng Phú, theo thông tin cảnh báo cháy rừng thì nhiều xã trên địa bàn có cảnh báo cháy đang ở cấp V. Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra và theo dõi kịp thời, chính xác tình hình cháy rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú đã đề ra nhiều giải pháp với phương châm “phòng là chính, chữa cháy kịp thời”.

Nguy cơ cao

Đồng Phú hiện có gần 20.000 ha đất rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp; trong đó, hơn 6.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng và diện tích đất chưa có rừng. Rừng tự nhiên do Hạt Kiểm lâm Đồng Phú quản lý, bảo vệ 5.727,46 ha, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Nam Bộ 125,24 ha và Công ty cổ phần cao su Đồng Phú 120,52 ha. Diện tích rừng tự nhiên này tiếp giáp Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai và huyện Bù Đăng.

Các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng luôn sẵn sàng tiếp ứng khi có tình huống xảy ra

Các dụng cụ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng luôn sẵn sàng tiếp ứng khi có tình huống xảy ra

Diện tích rừng có nguy cơ cháy cao là lồ ô, tre nứa, hỗn giao lồ ô - gỗ, rừng gỗ rụng lá, rừng gỗ thường xanh nghèo và nghèo kiệt tại các tiểu khu 341, 343, 344A, 344B, 346, 347A, 347B…; rừng trồng các loại cây giá tỵ, keo lai, dầu rái, trầm hương, bạch đàn, tếch, xoan, cao su… tại các tiểu khu 340, 342, 345A, 345B, 377... Diện tích rừng Đồng Phú không lớn nhưng lại không tập trung mà nằm xen kẽ trong dự án cao su của các doanh nghiệp nên đường ra, vào nhiều dẫn đến công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR rất khó khăn. Đây cũng là khu vực có nguy cơ cháy rừng cao nhất địa bàn toàn tỉnh.

Phòng là chính

Khi để xảy ra cháy rừng, nhất là rừng tự nhiên, mà không phát hiện kịp thời hầu như thiệt hại rất lớn, bởi nhiều khu vực, đặc biệt là rừng lồ ô có thảm thực bì dày từ 20-30cm nên lửa bùng lên rất nhanh, tốc độ lan cao. Do đó để quản lý, bảo vệ, hạn chế nguy cơ cháy rừng thì công tác phòng là chính.

Các bồn chứa được tiếp nước đầy phòng khi cháy rừng xảy ra

Các bồn chứa được tiếp nước đầy phòng khi cháy rừng xảy ra

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú Lý Văn Việt cho biết: Ngay từ đầu tháng 11-2022, đơn vị cũng như UBND huyện đã kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR, kiện toàn thành viên 3 tổ trực PCCCR, thành viên tổ PCCCR tại 6 chốt bảo vệ rừng, gồm: Chốt bảo vệ rừng Lam Sơn, Chốt bảo vệ rừng Suối Nhung, Chốt bảo vệ rừng Đồng Xoài, Chốt bảo vệ rừng 327, Chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hòa - Tân Lợi, Chốt bảo vệ rừng liên xã Tân Hưng - Tân Phước. Các chốt có nhiệm vụ tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng và PCCCR, đất rừng thuộc địa bàn phụ trách. Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ rừng, PCCCR, có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác liên quan. Thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh, lấy lời khai các đối tượng vi phạm và lập hồ sơ xử lý vi phạm, chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú Lý Văn Việt, khó khăn nhất trong công tác bảo vệ rừng hiện nay là ngăn chặn được các đối tượng ra, vào khai thác rừng, săn bắt động vật rừng trái pháp luật. Để phòng cháy rừng đạt hiệu quả cao, hạt đã xây dựng các kế hoạch tham mưu UBND huyện nhằm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng; tăng cường chốt chặn, ngăn chặn các đối tượng ra, vào rừng, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cháy cao; ngăn chặn tình trạng khai thác lâm sản, phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật.

Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền, vận động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng cũng như lực lượng kiểm lâm địa bàn. Trong quá trình tuần tra, kiểm tra, chúng tôi kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không tự ý ra, vào rừng, không đốt dọn nương rẫy vào thời điểm nắng nóng và những ngày khô hanh, gió mạnh; vận động người dân sống ở ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng và PCCCR. Đối với các trường hợp vi phạm thì cương quyết xử lý dứt điểm, không vì nể nang quen biết rồi bỏ qua. Việc làm này phải thực hiện triệt để và nhân rộng ra các địa bàn khác.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú
Lý Văn Việt

Cùng với tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Hạt kiểm lâm cũng bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ trong suốt mùa khô tại trụ sở và các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Đồng thời duy trì hoạt động của chòi canh lửa tại Tiểu khu 357; làm đường băng cản lửa 35km trên các tuyến đường, tiểu khu; tiếp đầy nước vào 15 bồn nước với 5.000 lít/bồn phân bổ đều trên lâm phần đơn vị quản lý. Các dụng cụ, phương tiện PCCCR thường xuyên được rà soát, kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo hoạt động tốt khi cần thiết.

Lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Phú làm đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng

Lực lượng kiểm lâm huyện Đồng Phú làm đường băng cản lửa phòng, chống cháy rừng

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nhiều năm qua trên địa bàn huyện Đồng Phú không xuất hiện tình trạng cháy rừng tự nhiên. Tuy nhiên, không vì thế mà chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm huyện lơ là, chủ quan với “giặc lửa”. Công tác PCCCR luôn được đặt trong tình trạng báo động đỏ, sẵn sàng tiếp ứng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại nếu cháy rừng xảy ra.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/141530/chu-dong-phong-chong-chay-rung