Chủ động phòng, chống cháy rừng mùa khô
Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng đang quản lý 40.107,24 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, quy hoạch 18.558,06 ha đất rừng phòng hộ và 21.549,18 ha rừng sản xuất. Diện tích rừng phần lớn xen kẽ, kế cận vườn rẫy của người dân nên công tác phòng, chống cháy rừng mùa khô luôn được đơn vị đặc biệt quan tâm và chủ động thực hiện. Bên cạnh đó, đơn vị phát huy hiệu quả hoạt động của tổ cộng đồng bảo vệ rừng để không xảy ra cháy rừng.
Quản lý chặt từng lối đi
Năm 2017, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng bắt đầu thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho tổ cộng đồng gồm 32 hộ dân, chủ yếu là đồng bào S’tiêng, M’nông ở thôn 5, xã Đồng Nai với tổng 808 ha. Năm 2019, ban tiếp tục giao thêm 468 ha, nâng tổng diện tích cộng đồng quản lý, bảo vệ lên 1.276 ha. Số hộ được nhận khoán cũng tăng từ 32 lên 44 hộ.
Anh Điểu Rắc ở thôn 5, xã Đồng Nai là một trong những người được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm, gắn bó với rừng. Anh Rắc cho biết: Mùa nắng sẽ có nhiều người vào rừng lấy mật ong, có thể là người dân trong xã hoặc cả người nơi khác tới. Họ thường mang theo hộp quẹt gas để đốt lửa đuổi ong. Đây là việc làm rất nguy hiểm vì trong rừng có rất nhiều lá khô, dễ cháy. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm, trong khi người đốt ong thường dùng cả một nùn (bó) rơm. Do vậy, chúng tôi phải kiểm soát kỹ, nhắc nhở mọi người phải có trách nhiệm bảo vệ rừng.
Để công tác bảo vệ rừng được thuận lợi, chúng tôi lập danh sách, căn cứ điều kiện từng gia đình để phân công ca trực hợp lý. Bình quân mỗi người đi trực 1 ngày/tuần. Mỗi ngày có 6 thành viên, chia thành 3 tổ hoạt động tuần tra, kiểm soát ở các tiểu khu được giao khoán là 188, 196 và 201. Tại cửa rừng, các thành viên kiểm tra, nhắc nhở người dân vào rừng chỉ được hái rau rừng, lá nhíp, đọt mây, lấy củi, không được khai thác lâm sản và săn bắn thú. Mùa nắng, công tác phòng, chống cháy rừng được đặc biệt chú trọng.
Anh Điểu Thâm, Tổ trưởng Tổ cộng đồng bảo vệ rừng thôn 5, xã Đồng Nai
Có nhiều kinh nghiệm hơn là anh Điểu Hợp, người chuyên lần theo dấu vết để biết có người vào rừng hay không. “Đường vào rừng toàn là lối mòn. Mùa mưa sẽ dễ phát hiện, bởi họ thường đi xe gắn xích vào bánh nên để lại dấu rất rõ hoặc nếu đi bộ cũng để lại nhiều dấu chân. Mùa nắng khó phát hiện hơn, muốn biết phải thật tinh tế. Người đi bộ thường cầm dao phát, khi đi, họ sẽ phát những cây cản lối, vì vậy căn cứ vào nhựa cây sẽ biết khoảng thời gian nào. Hoặc người đi xe vào rừng, nghe tiếng xe mình đoán được họ đang ở khu vực nào, qua đó kịp thời tiếp cận” - anh Hợp chia sẻ.
Trạm gác bảo vệ rừng của tổ cộng đồng được xây dựng đơn giản trên gò đất cao, nằm ngay cửa rừng. Anh Điểu Bá, thành viên của tổ chia sẻ: “Ở đây mọi thứ sơ sài vậy nhưng rất ấm áp. Trong trạm chỉ có 1 chõng tre để lúc trưa hoặc thời gian giao ca, anh em có chỗ tranh thủ ngả lưng. Chúng tôi rất gắn bó với rừng. Rừng là tài sản của quốc gia, mình là người bảo vệ hằng ngày nên cảm thấy rừng và chốt gần gũi, thân thiết như nhà của mình”.
Ngay cạnh chốt là barie, thời điểm hửng nắng, người dân thường vào rừng, gần trưa và chiều tối họ trở về nhà. Những thời điểm ấy, thành viên của ca trực phải kiểm tra, dặn dò, nhắc nhở bà con. Anh Điểu Liên ở thôn 5, xã Đồng Nai cho biết: “Chúng tôi vào rừng chủ yếu hái rau và ra suối Đắk Ka giăng lưới bắt cá. Những quy định khi vào rừng bà con ở đây đều nắm và thực hiện nghiêm. Chúng tôi tuyệt đối không xâm hại rừng và sẵn sàng hỗ trợ lực lượng khi cần”.
Sẵn sàng các phương án phòng cháy
Ông Lê Hùng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng cho biết: Diện tích rừng tự nhiên còn khoảng 40%, phần lớn là rừng lồ ô, lồ ô hỗn giao gỗ. Đây là loại rừng có nguy cơ cháy cao. Bên cạnh đó còn có trảng cỏ giáp với rừng thường cháy vào mùa khô. Nhiều khu vực rừng giáp, xen kẽ với rẫy của người dân và vườn cao su của các dự án chuyển đổi rừng, do vậy, công tác phòng cháy đặc biệt được chú trọng. Hằng năm, ban đều xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy trình UBND huyện phê duyệt. Theo đó, chúng tôi thành lập 5 đội phòng cháy chữa cháy rừng với tổng 23 thành viên, chia ra 4 chốt. Mỗi chốt thành lập 1 đội phòng cháy chữa cháy rừng, 1 tổ cơ động và 1 tổ thường trực. Các thành viên đều được tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy. Ban còn trang bị 37 loại phương tiện, dụng cụ chuyên dùng như máy bơm nước, máy cày kéo rơ-moóc, máy phun áp lực, phuy chứa nước, máy thổi lá. Những khu vực giáp ranh có nguy cơ cháy cao dùng máy móc ranh, tạo nên khoảng cách an toàn. Khu vực nhiều lá khô đều được cộng đồng quét dọn sạch sẽ, tạo băng cản lửa. Các phuy chứa đầy nước, khối lượng 3-5m3/phuy được chôn lộ thiên. Các dụng cụ khác như vỉ dập lửa, bình CO2 đều được chuẩn bị, sẵn sàng xử lý khi có tình huống xảy ra.
Thời gian này đang là cao điểm của mùa khô. Dù xung quanh lâm phần có nhiều sông, suối và bàu nước nhưng thời tiết hanh khô, thảm thực vật dày, ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Do vậy, hằng ngày, những bước chân của cán bộ, nhân viên Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng luôn in đậm trên từng lối mòn, góp sức để rừng mãi xanh tươi.
Năm 2022, chúng tôi bổ sung 20 biển báo cấm lửa, gắn trên các thân cây, ngay lối đi vào rừng để mọi người thấy và cùng nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng. Ngoài kiểm soát chặt chẽ người vào rừng, các lực lượng còn chủ động tuyên truyền những hộ có rẫy gần rừng không nên đốt lá mà cào gọn, để hoai mục. Hộ nào đốt, chúng tôi sẽ canh chừng cho đốt vào buổi sáng, không đốt giữa trưa nắng hoặc chiều gió lớn, cần thiết các thành viên sẽ trực tiếp hỗ trợ để đảm bảo an toàn.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/131469/chu-dong-phong-chong-chay-rung-mua-kho