Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc

Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, phun tiêu độc khử trùng và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành thú y là những giải pháp đang được các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi trong tỉnh triển khai, nhằm bảo vệ đàn gia súc.

Nhân viên thú y xã Phiêng Ban (Bắc Yên) tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò.

Nhân viên thú y xã Phiêng Ban (Bắc Yên) tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho bò.

Trên địa bàn huyện Bắc Yên, có khoảng 38.000 con trâu, bò, khoảng trên 30.000 con lợn. Toàn huyện, có 11/16 xã, thị trấn phát hiện ổ dịch viêm da nổi cục, với 51 con trâu, bò chết và tiêu hủy; 6 bản, tiểu khu tại các xã Song Pe, Mường Khoa và Thị trấn Bắc Yên phát hiện dịch tả lợn châu Phi, với 84 con chết và tiêu hủy. Huyện Bắc Yên đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và các địa phương, hộ chăn nuôi tăng cường kiểm soát, triển khai nhanh chóng, tích cực các biện pháp phòng, chống và dập dịch.

Ông Cầm Văn Cương, Giám đốc HTX Bảo Lâm, bản Lào Lay, xã Phiêng Ban, cho biết: Trang trại của chúng tôi hiện có 30 con bò. Công tác kiểm soát dịch bệnh được HTX chú trọng, thực hiện phun tiêu độc khử trùng và tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, giữ vệ sinh chuồng trại, cung cấp đầy đủ thức ăn đa dạng cho gia súc. Năm nay, bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, HTX đã vận động thành viên đăng ký mua vắc xin để tiêm phòng ngay cho đàn gia súc.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Yên, thông tin: Ngoài 11.000 liều vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò được tỉnh phân bổ hỗ trợ, Trung tâm đã phối hợp với các xã, thị trấn vận động xã hội hóa để tiêm phòng thêm 9.000 liều, đạt tỷ lệ 53% so với tổng đàn gia súc. Chúng tôi cũng đã tiếp nhận và phân bổ hơn 300 lít hóa chất, 31.000 liều vắc-xin lở mồm long móng Nhà nước hỗ trợ, sẽ hoàn thành thành tiêm phòng và phun tiêu độc khử trùng trong tháng 6.

Yên Châu là một trong những địa phương làm tốt công tác vận động xã hội hóa tiêm vắc xin phòng viêm da nổi cục cho trâu bò. Hiện, toàn huyện đã thực hiện tiêm phòng cho hơn 82% tổng đàn gia súc, trong đó, có 96% nguồn xã hội hóa do nhân dân đóng góp. Ông Đào Quốc Khoa, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu, cho biết: Phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục cho trâu bò là việc làm cấp bách, cần được thực hiện ngay. Do đó, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp vừa vận động xã hội hóa vừa triển khai tiêm phòng hiệu quả. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã huy động toàn bộ nhân viên thú y các xã, thị trấn tập trung lực lượng, triển khai tiêm phòng tập trung, ưu tiên các xã trọng điểm có dịch. Đến nay, đã cơ bản tiêm xong số lượng vắc xin được phân bổ, nhân viên thú y các xã đang rà soát lại để thực hiện tiêm vét hơn 600 liều vắc xin còn lại. Đồng thời Trung tâm đang thực hiện rà soát, chủ động kế hoạch phân bổ vắc xin được hỗ trợ triển khai tiêm THT, LMLM, dịch tả lợn... phòng, chống dịch cho đàn gia súc hiệu quả.

Trao đổi về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 487.000 con trâu, bò và khoảng hơn 510.000 con lợn. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã tổng hợp, thống kê và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh ban hành các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2021, nhất là thực hiện chủ trương xã hội hóa tiêm phòng cho đàn gia súc. Chi cục đang triển khai kế hoạch cấp gần 14.000 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng chuồng trại toàn tỉnh; cung cấp 133.500 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò, 57.740 liều vắc xin ung khí thán trâu, bò cho những địa phương có ổ dịch cũ; gần 43.000 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình dịch bệnh động vật để nhân dân chủ động phòng, chống. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Hiện, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, nhất là bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ lây lan rất cao. Với phương châm phòng hơn chống, các địa phương, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt các biện pháp tiêm phòng dịch, phát hiện sớm dịch bệnh để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, dập dịch, bảo vệ đàn gia súc.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-phong-chong-dich-benh-cho-dan-gia-suc-40281