Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi mùa mưa lũ
Hiện đang bước vào mùa mưa lũ, nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây ngập úng, lũ lụt, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là thời điểm dịch bệnh động vật dễ phát sinh, lây lan. Vì vậy, công tác bảo vệ, giám sát và phòng, chống dịch bệnh (PCDB) cho vật nuôi đang được ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các địa phương và hộ chăn nuôi quan tâm thực hiện.
Theo Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò.
Cụ thể, đến ngày 23/9, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 34 hộ/15 thôn/11 xã, phường/4 huyện, thành phố (Đồng Hới, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Minh Hóa) làm 339 con lợn buộc tiêu hủy. Hiện còn 3 xã/2 huyện có dịch chưa qua 21 ngày là xã Phù Hóa (Quảng Trạch) và Hóa Hợp, Hóa Tiến (Minh Hóa). Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 14 xã/4 huyện (Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh và Bố Trạch) làm 67 con bò mắc bệnh, trong đó có 17 con bò chết, hiện dịch bệnh đã được khống chế và đã qua 21 ngày.
Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trong thời gian tới, ngành chuyên môn cùng các địa phương đã và đang tích cực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm khống chế, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm, bảo vệ đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại huyện Tuyên Hóa, tổng đàn gia súc tính đến tháng 6/2024 là 46.857 con, gia cầm 433.150 con. Trên địa bàn toàn huyện đến thời điểm hiện tại các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi đã qua 21 ngày. Đặc biệt, đợt mưa lũ vừa qua, một số địa phương trên địa bàn huyện bị lũ lụt, trong đó, xã Lâm Hóa bị lũ cuốn trôi 4 con bò và 2 con dê.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết: Sau khi phát hiện các ổ dịch bệnh, phòng đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành bao vây, khống chế ổ dịch không để lây lan, đồng thời hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ theo quy định. Nhằm chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi, UBND huyện Tuyên Hóa đã ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác PCDB, bảo vệ đàn vật nuôi trong và sau mưa lũ. Trường hợp xảy ra lũ lụt, di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; khi nước rút phải thực hiện ngay vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Rà soát, tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin đợt 2 năm 2024 cho gia súc, gia cầm theo kế hoạch đề ra, đặc biệt đối với đàn gia súc, gia cầm tại nơi đã từng xảy ra dịch bệnh, nơi có nguy cơ cao, nơi bị lũ lụt…
Ngoài ra, phòng còn chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai tháng tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường PCDB trên địa bàn toàn huyện; theo dõi giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm; tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với an toàn sinh học, chọn nuôi giống mới có năng suất và phẩm chất thịt tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại huyện Lệ Thủy, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay chưa có dịch bệnh xảy ra. Hiện, toàn huyện có đàn trâu 5.355 con, đàn bò 11.700 con, đàn lợn 39.250 con, đàn gia cầm 1.895.600 con. Huyện đang tập trung chỉ đạo tăng cường phòng, chống thiên tai, dịch bệnh bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại trong và sau mưa bão, lũ lụt. Huyện Lệ Thủy cũng đã hướng dẫn các xã, thị trấn giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi trên địa bàn quản lý, nắm bắt tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp xảy ra trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; trong đó chú trọng công tác di dời đàn vật nuôi, PCDB trong mùa mưa lũ.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: Để duy trì và phát triển chăn nuôi, hạn chế dịch bệnh, người chăn nuôi cần lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi những cơ sở cung ứng có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định; không tái đàn khi chưa bảo đảm về môi trường và an toàn dịch bệnh.
Gắn bó với nghề chăn nuôi lợn nhiều năm nay nên gia đình anh Nguyễn Tấn Pháp, xã Hưng Thủy (Lệ Thủy) có nhiều kinh nghiệm trong việc PCDB cho đàn lợn của gia đình. Đặc biệt, khi mùa mưa bão đến, độ ẩm cao, nền chuồng ẩm ướt sẽ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi và dễ phát sinh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì thế, việc tiêu độc khử trùng, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn luôn được gia đình anh thực hiện đầy đủ. Anh Pháp cho biết: Hiện trang trại của anh nuôi 150 con lợn thương phẩm, 10 nái sinh sản. Để bảo vệ đàn vật nuôi khỏe mạnh trong mùa mưa lũ, tôi thường xuyên phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột ở lối ra vào trại, vệ sinh chuồng trại hàng ngày để bảo đảm khô thoáng, bổ sung đầy đủ các vitamin, khoáng chất vào thức ăn, nước uống để tăng sức đề kháng cho đàn lợn.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết: Để chủ động tăng cường phòng, chống thiên tai, dịch bệnh bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, giảm thiểu thiệt hại về chăn nuôi trong và sau mưa bão, lũ lụt. Các trang trại, hộ chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng; chủ động kiểm tra và gia cố chuồng trại bảo đảm độ vững chắc nhằm đề phòng bão, lũ; dự trữ nước sạch, thức ăn, vật tư, thuốc thú y để dùng cho vật nuôi khi cần thiết; kiểm tra, khai thông hệ thống thoát nước của khu vực chuồng trại, nhằm hạn chế ô nhiễm khi mưa to hoặc ngập lụt.
Đặc biệt, tăng cường công tác vệ sinh sau lũ, vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun sát trùng, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ; các trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện phối hợp với địa phương bám sát địa bàn, hỗ trợ, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo kịp thời; đề xuất, tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố các biện pháp xử lý dịch bệnh tránh lây lan ra diện rộng. Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm…