Chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm
Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng thú y và các cơ sở chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để dịch bệnh tái phát, lây lan.
Cuối năm là thời điểm hầu hết các trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện tái đàn, tăng đàn chuẩn bị nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời điểm người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro do những tác động bất lợi của thời tiết, dịch bệnh.
Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương, lực lượng thú y và các cơ sở chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng ngừa, quyết tâm không để dịch bệnh tái phát, lây lan. Gia đình chị Nguyễn Thị Hiến, thôn Cẩm Bối, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đã nhiều năm chăn nuôi đàn gia cầm quy mô lớn. Hằng năm, vào đầu tháng 9 âm lịch, gia đình chị nhập về từ 2.500 - 3.000 con gà để nuôi bán dịp Tết Nguyên đán. Theo chị Hiến, dịp cuối năm thời tiết khắc nghiệt, số lượng trang trại phát triển đàn vật nuôi nhiều, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ thịt động vật tăng cao, nhất là thịt lợn, thịt gà. Do đó nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh rất cao. Để bảo đảm đàn vật nuôi phát triển tốt, trong quá trình chăn nuôi chị chủ động che chắn chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine theo quy định, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thu gom chất thải, tăng cường dưỡng chất cho đàn vật nuôi.
Theo bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện, thời tiết chuyển mùa sẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh gia tăng như lở mồm, long móng, cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi... bùng phát. “Hiện chúng tôi đang phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường giám sát diễn biến tình hình dịch bệnh để chủ động báo cáo cũng như lên phương án ứng phó. Khuyến cáo các hộ chăn nuôi thực hiện tiêm phòng đầy đủ, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp gia cố chuồng trại, phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi trong vụ đông xuân 2020 - 2021”, bà Nhung cho biết.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trên địa bàn tỉnh hiện có 24.650 con trâu, bò; 380.000 con lợn; 14,8 triệu con gia cầm các loại... Để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương chủ động triển khai hiệu quả 2 đợt tiêm phòng với 6 loại vaccine cơ bản cho đàn vật nuôi, đạt từ 80% diện tiêm trở lên. Đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch theo quy định; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xử lý kịp thời khi phát hiện gia súc, gia cầm mắc bệnh; tuyên truyền, phổ biến cho người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho dịp cuối năm.