Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản
Mùa mưa bão, thời tiết, nhiệt độ thay đổi thất thường, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh trên đàn thủy sản. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chủ động hướng dẫn người nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Toàn tỉnh hiện có khoảng 7.000 ha mặt nước NTTS. Giai đoạn 2016-2021, giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) tăng 3,25%/năm, năng suất nuôi trồng tăng 4,3%/năm. Riêng 8 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản đạt hơn 15.000 tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 14.000 tấn, sản lượng khai thác thủy sản đạt hơn 1.200 tấn.
Vào mùa thu (từ tháng 8 - 10) khi nhiệt độ nước từ 25 - 300C, cá nuôi thường mắc bệnh đốm đỏ do vi khuẩn Aeromonas sp di động. Nguyên nhân là do vi khuẩn Aeromonas gây ra, khi nuôi cá công nghiệp mật độ cao, môi trường nước bị ô nhiễm, sức đề kháng của cá nuôi giảm, điều kiện cho vi khuẩn phát triển và xâm nhập gây bệnh cho cá nuôi.
Nhằm ngăn chặn kịp thời dịch bệnh thủy sản phát sinh và lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cán bộ làm công tác thú y từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến thôn xóm nơi có hộ nuôi thủy sản để phát hiện sớm, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh phát sinh trên thủy sản nuôi.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về thú y, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn người nuôi tuân thủ việc thả giống theo đúng lịch thời vụ được khuyến cáo, chủ động áp dụng các nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, xử lý ao nuôi theo quy định.
Qua giám sát dịch bệnh của lực lượng chăn nuôi thú y từ tỉnh đến cơ sở, không phát hiện dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thủy sản nuôi.
Ông Đàm Văn Sơn, xã Đại Tự, huyện Yên Lạc có diện tích hơn 1ha mặt nước chuyên thâm canh nuôi cá được thiết kế thành 2 ao, mỗi ao có diện tích 5.000 m2,1 ao nuôi cá giống, ao còn lại nuôi cá thịt. Hằng năm, gia đình ông thu được hơn 25 tấn cá các loại, doanh thu đạt 1 tỷ đồng/năm từ bán cá.
Với kinh nghiệm 10 năm chuyên nuôi cá, ông cho biết: Trong nuôi cá, việc phòng bệnh rất quan trọng, vì vậy, trước khi nuôi mới, gia đình đều tổng vệ sinh tiêu độc, rắc vôi bột khu vực ao nuôi; nhập con giống tại những cơ sở có uy tín; thả nuôi theo hướng an toàn.
Trong quá trình nuôi, định kỳ 2 lần/tháng, gia đình dùng vôi hòa với nước rải đều xuống ao nuôi để ổn định PH, khử trùng và diệt mầm bệnh trong nước ao; sử dụng chế phẩm sinh học 2 tuần/lần để cải thiện môi trường nước, giúp phân hủy thức ăn thừa, chất hữu cơ trong nước, kiểm soát mật độ tảo, ổn định độ pH và độ kiềm, giảm hàm lượng khí độc H2S, NH3, NO2.
Ngoài ra, định kỳ 2 lần/tháng bổ sung Vitamin C, khoáng chất và trộn thức ăn cho cá nuôi; cho cá ăn các loại thức ăn giàu đạm và lượng thức ăn hằng ngày phù hợp, tránh dư thừa gây lãng phí, ô nhiễm môi trường nuôi.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, người nuôi cần chọn mua cá giống ở các cơ sở sản xuất giống có uy tín; với cá giống được mua ngoài địa bàn tỉnh cần được kiểm dịch của cơ quan thú y nơi cung cấp.
Cá giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng).
Khi phát hiện cá chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống.
Tuyệt đối không vận chuyển cá sống từ các ao nuôi đã bị bệnh sang các ao/vùng nuôi không bị bệnh để hạn chế dịch bệnh lây lan. Không vứt xác cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi bị bệnh nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn của cán bộ thú y.
Nhằm phát triển thủy sản theo hướng an toàn, hạn chế thấp nhất dịch bệnh, thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, trong đó tập trung thu mẫu, xét nghiệm giám sát chủ động một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thủy sản để khuyến cáo, hướng dẫn kịp thời đến người nuôi thủy sản thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn cho người nuôi thủy sản về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh và các quy định của pháp luật và của tỉnh về phòng, chống dịch bệnh thủy sản.