Chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ

Tình trạng mưa lũ diễn biến phức tạp, khó lường, gây ngập lụt nhiều địa phương trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát sinh và bùng phát trong cộng đồng như tiêu chảy, đau mắt đỏ, cúm, tả, lị, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp, bệnh ngoài da… Để giúp người dân bảo vệ sức khỏe trong mùa mưa lũ, ngành y tế đã chủ động triển khai các biện pháp đồng bộ trong phòng chống dịch bệnh và thiên tai, thảm họa.

 Hướng dẫn người dân xử lý nước trong mùa mưa lũ -Ảnh: T.H

Hướng dẫn người dân xử lý nước trong mùa mưa lũ -Ảnh: T.H

Đợt mưa lũ vừa qua, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà có 780 hộ dân bị ngập lụt, trong đó có 12 hộ phải di dời. Để phòng chống các dịch bệnh trước, trong và sau lũ, ngành y tế địa phương đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp. Bác sĩ Ngô Hữu Thành, Trưởng Trạm Y tế phường Đông Thanh cho biết: “Để bảo vệ sức khỏe cho người dân, trạm đã chủ động lên kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất. Hướng dẫn, tuyên truyền người dân thực hiện vệ sinh môi trường khi nước rút. Những nơi nào nguồn nước tạm thời mất, trạm y tế sẽ cung cấp Cloramin B để xử lý nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân”.

Nằm ở vùng thấp trũng, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ vừa qua. Trước tình hình đó, địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp vừa khắc phục hậu quả lũ lụt, vừa bảo vệ sức khỏe cho người dân. Trưởng trạm Y tế xã Triệu Sơn Nguyễn Văn Tứ cho biết thêm: Trên địa bàn xã có 850/1.050 hộ ngập lụt. Trạm y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão, phân công cán bộ trực 24/24 giờ, đồng thời quán triệt thực hiện tốt phương châm nước rút đến đâu xử lý môi trường đến đó; cử cán bộ bám sát địa bàn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh, phòng chống tai nạn thương tích”.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị, tính đến 11 giờ ngày 13/10/2020, trên địa bàn tỉnh có có 66 xã, phường ngập lụt, trong đó có 7.023 giếng và 23.845 công trình vệ sinh bị ngập… Sau mưa lũ, môi trường ô nhiễm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để véc-tơ truyền bệnh như muỗi, ruồi... sinh trưởng mạnh, trong đó muỗi là véc-tơ truyền bệnh phổ biến nhất gây bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, tại các vùng ngập lụt, nguồn nước bị nhiễm bẩn, môi trường sống ô nhiễm sẽ làm gia tăng nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn, nước ăn chân, viêm da, đau mắt đỏ, mắt hột... Cùng với đó, trong mùa mưa bão nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đối với người dân cũng tăng cao hơn, do đó công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cần được chú trọng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Hà Lâm Chi cho biết: “Với tinh thần sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa bão, bảo đảm các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân trong mọi tình huống lụt, bão, thiên tai, thảm họa, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân, ngành y tế đã chuẩn bị sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, thuốc, vật tư, hóa chất cần thiết để đáp ứng kịp thời khi có tình huống cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh, đồng thời xử lý môi trường sau lụt, bão.

Trước mưa lũ, 100% các đơn vị y tế trực thuộc đã có kế hoạch triển khai phòng chống mưa lụt. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có kế hoạch đảm bảo triển khai hoạt động cấp cứu, khám, chữa bệnh trong và sau mưa lũ, dự trù đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, phương tiện, vật tư cần thiết phục vụ công tác phòng chống lụt, bão; huy động toàn bộ nhân lực bệnh viện tham gia thường trực, cấp cứu tại bệnh viện và chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu ngoại viện. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền người dân triển khai các biện pháp phòng chống bão lụt theo phương châm “4 tại chỗ”, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường trước, trong và sau lụt bão.

Trong thời gian diễn ra mưa lũ, Sở Y tế đã phân công cán bộ chỉ đạo, phụ trách đối với các huyện, thị xã và thành phố, hướng dẫn chuyên môn và sẵn sàng hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai. Đảm bảo cán bộ và phương tiện thường trực để ứng phó các tình huống có thể xảy ra. Dự phòng lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho người bệnh đang điều trị có hoàn cảnh khó khăn tại các cơ sở y tế. Sau mưa lũ triển khai công tác hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó, tổ chức thu gom, xử lý rác thải, xác súc vật chết, xử lý môi trường. Hỗ trợ cung cấp hóa chất, khử trùng nước sinh hoạt bằng Cloramin B, phèn chua, vôi bột tại vùng bị ngập lụt…”.

Cùng với sự nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau mưa lũ. Đó là thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bảo đảm vệ sinh môi trường thực hiện theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lị, thương hàn…

Phan Thanh Hải

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152493