Chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc

Tiêm phòng vắc xin và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng-chống dịch bệnh theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn là những giải pháp căn cơ đang được người chăn nuôi tỉnh Gia Lai triển khai nhằm bảo vệ an toàn cho đàn gia súc phát triển ổn định.

Đàn gia súc phát triển ổn định

Hai trang trại chăn nuôi heo hơn 2.400 con của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hneng (huyện Đak Đoa) được bao bọc bởi tường rào kiên cố, ngay cổng ra vào trang trại có phòng khử độc, sát trùng. Hiểu rõ tác hại của các loại dịch bệnh với vật nuôi, việc chăm sóc bảo vệ đàn heo được thực hiện nghiêm ngặt.

Ông Lê Đình Hà-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã-cho hay: “Các trang trại của Hợp tác xã được đầu tư xây dựng bài bản, khép kín để chăn nuôi công nghệ cao. Trang trại luôn phải sạch, người lạ không được vào để đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, chúng tôi rất yên tâm phát triển chăn nuôi heo theo hướng này không phải lo về các loại dịch bệnh nên nguồn thu nhập cũng ổn định”.

Là một trong những hộ dân thu nhập ổn định từ chăn nuôi bò lai, bà Cao Thị Mai (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro) chia sẻ: “Từ năm 2015 đến nay, tôi luôn duy trì 8-10 con bò lai, thu nhập bình quân 40-60 triệu đồng/năm. Tôi thường xuyên phun thuốc, rắc vôi, khử độc sát trùng chuồng trại; tiêm vắc xin phòng-chống dịch lở mồm long móng (LMLM) định kỳ và bổ sung thức ăn nhiều dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Người chăn nuôi chủ động bổ sung thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Diệp

Người chăn nuôi chủ động bổ sung thức ăn để tăng cường sức đề kháng cho đàn bò. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Kông Chro-cho biết: “Huyện Kông Chro có đàn bò lớn thứ 2 của tỉnh với khoảng 42 ngàn con; heo khoảng 98 ngàn con và khoảng 9 ngàn con dê. Để bảo vệ đàn gia súc phát triển ổn định, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi, bệnh LMLM, viêm da nổi cục trên bò. Tổ chức tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để phòng ngừa dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh, đồng thời tăng cường kiểm soát, hướng dẫn các hộ kinh doanh mua bán, vận chuyển giết mổ gia súc thực hiện nghiêm các quy định về công tác thú y… Đến nay, đàn gia súc trên địa bàn huyện phát triển ổn định, hầu hết người chăn nuôi đã chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi”.

Chủ động phòng-chống dịch bệnh

Theo ông Lê Văn Nguyên-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa: Nhằm ngăn chặn sự xuất hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, đơn vị thường xuyên tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi. Tổ chức lực lượng tiêm phòng vắc xin LMLM đợt 2 cho đàn trâu, bò. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc giết mổ gia súc và tái đàn heo của người dân… Hiện tại, đàn gia súc trên địa bàn huyện đang phát triển ổn định.

Còn ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Sê-cho hay: “Từ nay đến Tết Nguyên đán, đơn vị tập trung triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT. Phối hợp cùng đoàn kiểm tra liên ngành huyện tăng cường kiểm tra các cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển gia súc vào địa bàn phải có nguồn gốc rõ ràng nhằm hạn chế dịch bệnh xuất hiện trên đàn gia súc. Ngoài ra, Trung tâm thường xuyên hướng dẫn các trang trại chăn nuôi tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại theo quy định để phòng-chống dịch bệnh hiệu quả".

Người dân mua bán heo con giống tại ngã 3 Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp

Người dân mua bán heo con giống tại ngã 3 Phú Mỹ (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Ảnh: Nguyễn Diệp

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trong năm 2020, các loại dịch bệnh trên đàn gia súc đã được khống chế, không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: LMLM, heo tai xanh… Riêng bệnh dịch tả heo châu Phi ở các ổ dịch cũ tại huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã được kiểm soát chặt chẽ không để lây lan trên diện rộng. Còn bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò chưa xuất hiện trên địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh lân cận. Song để tăng cường công tác phòng-chống loại bệnh này, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương triển khai biện pháp kiểm soát không để dịch bệnh xuất hiện gây thiệt hại cho người chăn nuôi.

Trao đổi với P.V, ông Dương Ngọc Thanh-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-cho biết: Để chủ động phòng-chống dịch bệnh trên đàn gia súc, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các địa phương tổ chức Tháng Vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi 3 đợt; thực hiện tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn trâu, bò đợt 2-2020 với số lượng 335.747 liều.

Hiện nay, Chi cục đã xuất cấp 6.000 lít hóa chất Benkocid, vôi bột cho các địa phương triển khai Tháng Vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 20-12-2020 đến 20-1-2021. Ngoài ra, Chi cục còn hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sử dụng các loại vắc xin, hóa chất để chủ động phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

NGUYỄN DIỆP

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8208/202101/chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-dan-gia-suc-5717785/