Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi và cây trồng

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lạng Sơn vừa có văn bản chỉ đạo về việc triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng (LMLM) cho đàn trâu, bò đợt I năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, Chi cục Chăn nuôi và Thú y xây dựng, ban hành kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm trên địa bàn. Đặc biệt cần chú trọng đến nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, vùng khống chế bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% so với tổng đàn. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thường xuyên và định kỳ vệ sinh khử trùng tiêu độc tại cơ sở chăn nuôi và môi trường chung quanh. Thời gian tiêm phòng bắt đầu từ ngày 20-2 đến hết 31-3.

* UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản chỉ đạo về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định và hướng dẫn. Xây dựng, phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch mới được phát hiện, báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh...

* Huyện Lục Yên (Yên Bái) chỉ đạo các cơ quan liên quan, tăng cường về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm, cung ứng hơn 1.700 lít hóa chất cho các xã, thị trấn để bảo đảm việc tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường và sự xâm nhiễm của dịch bệnh...

* Từ đầu năm đến nay, dịch LMLM trên đàn gia súc đã xảy ra tại 800 hộ dân ở 126 thôn của 54 xã của các huyện, thành phố: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Bình Sơn, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Trước tình hình nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn đề nghị Bộ NN và PTNT xem xét, hỗ trợ 20.000 liều vắc-xin LMLM type O-A và 20.000 lít hóa chất BenKocid để thực hiện công tác phòng, chống dịch.

* Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, trên địa bàn xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh) hiện có 51 con gia súc mắc bệnh LMLM. Hiện, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn đang giám sát chặt chẽ, cách ly số gia súc bị mắc bệnh; cấp 10 lít hóa chất phun tiêu độc khử trùng và rắc 50 kg vôi bột tại các lối ra vào khu vực chăn nuôi của các hộ có gia súc bị nhiễm bệnh.

* Ngày 18-2, Sở NN và PTNT Hà Nội cho biết, hiện toàn thành phố có 445 xã, phường (chiếm 99,11%) thuộc 20 quận, huyện, đã qua 30 ngày không phát sinh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Còn bốn xã: Sơn Đông (thị xã Sơn Tây), Chu Phan (huyện Mê Linh), Tân Lập (huyện Đan Phượng), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), chiếm 0,89% tổng số xã, phường có DTLCP chưa qua 30 ngày. Như vậy, DTLCP ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát.

* Theo Sở NN và PTNT Phú Yên, diện tích lúa đông xuân của tỉnh đã gieo sạ được là 26.440 ha, bị chuột gây hại tổng diện tích 440,3 ha; trong đó nhiều nhất là ở huyện Tây Hòa với hơn 200 ha. Sở đã ban hành công văn gửi Phòng NN và PTNT các địa phương trong tỉnh, tuyên truyền cho nông dân tăng cường các biện pháp diệt chuột, hạn chế thiệt hại.

* Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có hơn 1.000 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, nhiều diện tích phải nhổ bỏ hoàn toàn. Ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng gây thiệt hại cho bà con nông dân.

* Theo UBND xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), vào khoảng 2 giờ ngày 18-2 tại ấp Kinh Hòn đã xảy ra sụt lún một phần đường đê biển Tây, có độ dài khoảng 120 m, có nơi sâu khoảng 2 m, nguyên nhân có thể do khô hạn, mực nước kênh hạ xuống thấp, gây áp lực lên thân đê. Ngay sau đó, UBND huyện đã chỉ đạo chính quyền địa phương cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn cho phương tiện lưu thông.

* Trước tình hình hạn, mặn, nhằm bảo đảm đủ nước tưới cho hơn 216 nghìn ha diện tích gieo trồng lúa và hoa màu vụ hè thu 2020, hơn 30.200 ha cây lâu năm, ngày 18-2, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu Sở NN và PTNT chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với các tình huống về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn,... phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt của địa phương. Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi (kênh mương, cống, đập) bị hư hỏng, để có kế hoạch tu sửa, nạo vét; tổ chức thực hiện nạo vét các công trình bị cạn kiệt, đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các công trình kênh trục, kênh tạo nguồn, trạm bơm tưới, trạm cấp nước sạch đã được bố trí vốn, để kịp thời cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong mùa khô năm 2020. Chủ động phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa và cây trồng cạn.

* UBND tỉnh Bạc Liêu vừa có tờ trình số 07/TTr - UBND gửi Bộ NN và PTNT, Bộ Tài chính về việc xin hỗ trợ kinh phí chống hạn, xâm nhập mặn để bảo vệ sản xuất nông nghiệp mùa khô 2020 trên địa bàn, với tổng kinh phí hơn 225 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh sẽ bố trí gần 69 tỷ đồng nạo vét 123 tuyến kênh khơi thông dòng chảy đưa nước về phục vụ sản xuất; 70 tỷ đồng sửa chữa các cống gồm: Cống Cái Tràm, Cầu số 3, Chiệt Niêu (huyện Hòa Bình); cống Xóm Lung và cống phân ranh mặn ngọt (thị xã Giá Rai); hơn 11 tỷ đồng để các địa phương đắp đập ngăn mặn, hỗ trợ bơm tát nước chống hạn cho nông dân; gần 13 tỷ đồng kéo dài đường ống cấp nước cho tám trạm bơm nước tập trung và khoan mới bốn giếng nước; số tiền 63 tỷ đồng còn lại sẽ đầu tư lắp đặt 21 trạm quan trắc nước tự động...

* Tuyến đê biển Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) hiện có khoảng 4,3 km bị xuống cấp nghiêm trọng, gây mất an toàn công trình, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chống bão, ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu thoát lũ, bảo vệ dân sinh và sản xuất. Tỉnh đã đầu tư khoảng 50 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp tuyến đê này, thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2022.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên trong ngày 19-2, ở khu vực bắc Biển Đông và vùng biển phía tây của khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8; ở vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau và khu vực giữa Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7. Biển động, sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43311702-chu-dong-phong-chong-dich-benh-tren-vat-nuoi-va-cay-trong.html