Chủ động phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi thời điểm giao mùa

Hiện nay, đang vào mùa mưa, trước nguy cơ dịch bệnh phát sinh cho đàn gia súc, gia cầm khi thời tiết giao mùa. Các địa phương trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân có chăn nuôi; đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc-xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực nuôi, giám sát dịch tễ tại các điểm chợ đầu mối...

Lực lượng Thú y viên xã Phong Phú, huyện Cầu Kè tham gia hỗ trợ tiêm phòng cho người dân ở ấp Đồng Khoen.

Lực lượng Thú y viên xã Phong Phú, huyện Cầu Kè tham gia hỗ trợ tiêm phòng cho người dân ở ấp Đồng Khoen.

Đồng chí Ngô Đức Thạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin: đặc thù của tỉnh chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ, chưa áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi hàng năm còn thấp cùng với đó, việc gia tăng tổng đàn, gia tăng vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm vào những tháng cuối năm... các loại dịch bệnh sẽ tiếp tục phát sinh và lây lan, đặc biệt là vào các thời điểm giao mùa, cuối năm, với các nguyên nhân: tình hình thời tiết cực đoan (ngày nắng nóng, đêm nhiệt độ thấp) làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) chưa được người nuôi hưởng ứng tiêm phòng.

Hiện nay, đáng lo ngại là đối với vi-rút bệnh DTHCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; kết hợp điều kiện chăn nuôi của nông dân trong tỉnh chủ yếu nhỏ, lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học; người nuôi không khai báo kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra nên dịch bệnh có khả năng tiếp tục phát sinh và lây lan.

Các địa phương và ngành chuyên môn cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi thực hiện đầy đủ các quy trình phòng, chống dịch bệnh (nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng theo đúng quy trình, thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi,…) để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trong đó, đảm bảo việc tổ chức tiêm phòng các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng theo quy định.

Trong 06 tháng đầu năm 2024, thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm với 2.362.028 con/2.932.621 liều vắc-xin/3.840 hộ nuôi; đạt 74,82% kế hoạch năm 2024, tăng 784.044 con gia cầm so cùng kỳ năm 2023. Tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng được 109.215 con gia súc/108.090 liều vắc-xin/24.289 hộ nuôi, đạt 28,09% kế hoạch. Tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục được 19.091 con gia súc/19.091 liều vắc-xin/7.271 hộ nuôi, đạt 10% kế hoạch…

Ghi nhận thực tế tại một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin trên đàn giác súc, gia cầm cho thấy bên cạnh những địa phương thực hiện đạt tỷ lệ cao; cùng với đó, một số địa phương có tỷ lệ đạt rất thấp và gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện Cầu Kè, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt rất cao (597 hộ, 473.655 con gia cầm/597 hộ nuôi; đạt 95,7% so với chỉ tiêu được giao); tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục ở gia súc đạt gần 40%/tổng đàn…

Đồng chí Hà Mỹ Xuyên, phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cầu Kè cho biết: đạt được kết quả trên là có sự tham gia tích cực từ người nuôi và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để việc tiêm phòng cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao hơn; nâng cao ý thức của người dân cùng phối hợp tốt với cán bộ thú y cơ sở; cần quản lý chặt chẽ trong công tác giết mổ, vận chuyển vật nuôi với các yêu cầu về giấy chứng nhận tiêm phòng đầy đủ mới cho vật nuôi (gia súc, gia cầm) rời khỏi địa phương…

Trên địa bàn xã Đa Lộc, huyện Châu Thành có khoảng 1.100 hộ nuôi gia cầm với tổng đàn trên 30.000 con gia cầm. Trong này, số hộ nuôi nhỏ lẻ (dưới 50 con) có khoảng trên 1.000 hộ với 27.300 con gia cầm. Từ đó, gây nhiều khó khăn cho nhân viên thú y trong công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

Theo Thú y viên Thạch Thị Mỹ Hạnh, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành: trong công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cán bộ thu ý luôn đến từng nhà vận động, tuyên truyền nhưng người nuôi thường không hợp tác với nhiều nguyên nhân, trong đó, là do nuôi nhỏ lẻ; thả lan; gia cầm chủ yếu cung cấp nguồn thịt tiêu thụ trong gia đình… nên tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm hàng năm chỉ đạt khoảng 10%/tổng đàn (06 tháng đầu năm 2024: tiêm phòng được 600 con gia cầm/25 hộ; đạt được 4,55% so với chỉ tiêu 13.200 con). Riêng đàn bò, người nuôi rất quan tâm đến tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng nên tỷ lệ tiêm đạt rất cao, trên 60% (tương đương 2.210 con gia cầm/563 hộ nuôi).

Cũng theo đồng chí Ngô Đức Thạnh, những tháng cuối năm, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm (lở mồm long móng gia súc; cúm gia cầm; viêm da nổi cục,...), tiếp tục vận động tiêm phòng vắc-xin DTHCP theo hình thức xã hội hóa; đảm bảo đạt tỷ lệ bảo hộ cho đàn vật nuôi, để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khử trùng đợt 2/2024”, theo sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh (khoảng tháng 9 - 10/2024) để làm sạch môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/chu-dong-phong-chong-dich-benh-trong-chan-nuoi-thoi-diem-giao-mua-38731.html