Chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại phường An Nhơn Đông (tỉnh Gia Lai) buộc chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy hơn 200 con heo nhiễm bệnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh đang hiện hữu khi thời tiết diễn biến thất thường, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn.

Người chăn nuôi siết chặt phòng dịch

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành chăn nuôi tăng trưởng tích cực nhờ giá heo hơi ổn định từ 58.000-60.000 đồng/kg, giúp người dân mạnh dạn tái đàn. Hiện toàn tỉnh có hơn 1,7 triệu con heo. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết bất lợi và tâm lý chủ quan của người nuôi đang tạo điều kiện cho virus ASF quay trở lại.

Cuối tháng 6 vừa qua, tại phường An Nhơn Đông ghi nhận ổ dịch đầu tiên với 202 con heo nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy. Một số vùng bắt đầu xuất hiện heo ốm rải rác, chủ yếu tại các hộ nuôi nhỏ lẻ.

 Nhân viên Trạm Kiểm soát dịch bệnh động vật tỉnh Gia Lai tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển heo qua quốc lộ 19. Ảnh: Lợi Diệp

Nhân viên Trạm Kiểm soát dịch bệnh động vật tỉnh Gia Lai tiêu độc khử trùng phương tiện vận chuyển heo qua quốc lộ 19. Ảnh: Lợi Diệp

Tại vùng nguy cơ, người chăn nuôi đang chủ động các biện pháp phòng dịch. Đang nuôi hơn 200 con heo thịt và 20 con heo nái, ông Nguyễn Văn Công (thôn Tân Hóa Bắc, xã Hòa Hội) cho biết: “Để bảo vệ đàn heo, tôi không cho ai khác vào khu vực chuồng trại. Đồng thời, tôi sát khuẩn chuồng trại định kỳ 1 lần/tuần, rải vôi toàn bộ lối đi và đầu tư máy phun khử khuẩn cá nhân. Thức ăn đưa vào trại đều được vệ sinh kỹ lưỡng”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bé (xã Đề Gi) đang nuôi 650 con heo thịt đã chuyển sang chăn nuôi khép kín, làm mát chuồng và hạn chế người lạ ra vào, sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần. “Chỉ cần một khe hở là mất trắng”-ông nói.

Tại khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai, dù chưa ghi nhận dịch tả heo châu Phi nhưng công tác phòng-chống dịch cũng được siết chặt. Ông Trương Đình Hùng (thôn 9, xã Biển Hồ) cho hay: “Trước dịch, tôi bán được 7 tấn heo giá cao nên có lãi. Giờ tái đàn phải kỹ lưỡng hơn, từ con giống, tiêm ngừa đến bổ sung khoáng chất để đàn heo phát triển tốt”.

 Ông Trương Đình Hùng (thôn 9, xã Biển Hồ) đang chăm sóc đàn heo thịt. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Trương Đình Hùng (thôn 9, xã Biển Hồ) đang chăm sóc đàn heo thịt. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tăng cường kiểm soát dịch bệnh

Trước nguy cơ virus ASF lây lan trên diện rộng, ngành chăn nuôi tỉnh đang triển khai đồng bộ các biện pháp phòng-chống dịch, trong đó lấy phòng ngừa và thực hành an toàn sinh học làm trọng tâm.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y-cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo người dân định kỳ sát trùng chuồng trại bằng vôi bột và hóa chất; tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt cho heo ăn; không nhập giống không rõ nguồn gốc; thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Đồng thời, các trang trại cần nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng khép kín, đảm bảo ngăn mầm bệnh từ bên ngoài”.

 Tiêu độc khử trùng môi trường khu vực tiêu hủy heo mắc bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Tiêu độc khử trùng môi trường khu vực tiêu hủy heo mắc bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp

Để tăng sức đề kháng cho đàn heo trong điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường, ngành thú y hướng dẫn người nuôi bổ sung vitamin C, điện giải và cung cấp đủ nước sạch cho vật nuôi. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh thông thường như: Dịch tả cổ điển, lở mồm long móng, tai xanh, tụ huyết trùng, E.coli, suyễn...

Khi phát hiện heo ốm, chết bất thường hoặc có dấu hiệu nghi nhiễm virus ASF, người chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan chức năng để lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp xác định dương tính với ASF, toàn bộ heo mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh và heo chết phải được tiêu hủy theo đúng quy định.

Đối với hoạt động tái đàn, ngành thú y tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm túc, từng bước và có kiểm soát. Chỉ những cơ sở đã qua ít nhất 21 ngày không phát hiện dịch kể từ ngày công bố hết dịch và không có dấu hiệu tái phát mới được tái đàn. Trước khi tái đàn, người nuôi bắt buộc phải kê khai với chính quyền cơ sở theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT.

Mặc dù virus ASF hiện vẫn trong tầm kiểm soát tại Gia Lai nhưng nguy cơ dịch bùng phát trở lại luôn hiện hữu, đặc biệt là trong điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến và ý thức phòng dịch chưa đồng đều.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp nhấn mạnh: “Kiểm soát dịch không chỉ là nhiệm vụ của ngành thú y hay chính quyền, mà là trách nhiệm chung của từng hộ chăn nuôi. Mỗi hành động đúng của người dân là một mắt xích quan trọng trong chuỗi phòng, chống virus ASF. Chỉ khi tất cả cùng phối hợp chặt chẽ, chúng ta mới giữ được an toàn cho đàn heo và phát triển ngành chăn nuôi bền vững”.

Khó khăn về nhân lực nhưng không để lơi lỏng

Sở Nông nghiệp và Môi trường đang trong quá trình sắp xếp, hoàn thiện tổ chức hệ thống thú y theo mô hình mới. Ông Huỳnh Thanh Vương-Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y khu vực 1-cho biết: “Hiện tại, tôi và một số cán bộ khác được giao phụ trách toàn bộ 17 xã, phường thuộc 3 huyện, thị xã của tỉnh Bình Định trước đây là Hoài Nhơn, An Lão và Hoài Ân. Dù nhân lực mỏng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng bám sát cơ sở, vừa theo dõi tình hình dịch bệnh, vừa trực tiếp hỗ trợ người dân phòng, chống, không để dịch lan rộng. Các trạm khu vực đang giữ vai trò là “cánh tay nối dài” của Chi cục nhằm đảm bảo chuỗi phản ứng phòng-chống dịch không bị gián đoạn trong giai đoạn chuyển tiếp”.

TRỌNG LỢI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-dong-phong-chong-dich-ta-heo-chau-phi-post559947.html