Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài. Nhiệt độ xuống thấp là một trong những yếu tố gây hại cho sức khỏe của đàn vật nuôi. Để chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi, công tác bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi đang được ngành nông nghiệp và các hộ chăn nuôi tích cực triển khai.
Trao đổi với chúng tôi khi đang chăm sóc đàn gà hơn 5.000 con mới được hơn 15 ngày tuổi, ông Trần Hữu Tấn ở xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong cho biết, sau những thiệt hại nặng nề do các đợt mưa lũ vừa qua, để khôi phục sản xuất, ngay sau khi nước rút, ông đã bắt tay tu sửa, vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường… Những ngày gần đây, khi thời tiết chuyển rét, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp, ông đã dùng bạt che phủ toàn bộ chuồng trại, lắp thêm bóng đèn công suất lớn để sưởi ấm cho đàn gà đang úm của mình. Cho gà ăn uống đầy đủ thức ăn, bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất… để tăng sức đề kháng cho gà.
Trao đổi với chúng tôi khi đang chuẩn bị củi khô để sưởi ấm cho đàn bò 15 con trong chuồng nuôi, anh Lê Văn Trung ở xã Triệu Thượng, Triệu Phong cho hay, để bảo vệ đàn bò, ngay khi thời tiết chuyển lạnh, anh đã sử dụng bạt che chắn toàn bộ chuồng nuôi; rơm, cỏ được phơi khô, cất giữ cẩn thận nơi khô ráo, đủ để cho đàn bò ăn trong vài tháng khi thời tiết giá lạnh. Đồng thời chuẩn bị thêm bột ngô, bột cám gạo để tăng cường sức khỏe cho đàn bò. “Theo kinh nghiệm của tôi, rét đậm, rét hại sẽ làm cho quá trình sinh lý, sinh hóa trong cơ thể vật nuôi diễn ra không bình thường, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển và sức kháng bệnh của vật nuôi. Vì vậy, giữ ấm cho gia súc trong những ngày giá rét là điều rất quan trọng. Ngoài che chắn chuồng trại, thực hiện nuôi nhốt không thả rông đàn bò, tôi còn mặc áo chống rét bằng bao tải cho bò. Cho bò ăn thêm tinh bột, uống nước ấm có bổ sung muối ăn. Buổi tối khi nhiệt độ xuống thấp, tôi còn đốt lửa hoặc sử dụng than củi để sưởi ấm cho bò”, anh Trung chia sẻ. Trạm Trưởng
Trạm Chăn nuôi và Thú y (CN&TY) huyện Triệu Phong Trần Thanh Sơn cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có tổng đàn gia súc hơn 38.000 con, cùng với hơn 560.000 con gia cầm các loại. Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi nên nhận thức của người dân cũng đã được nâng lên; đã chú trọng gia cố, vệ sinh chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc trước mùa đông đến. Cùng với đó, Trạm CN&TY đã phân công cụ thể cán bộ phụ trách từng địa bàn, cùng với lực lượng thú y cơ sở hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân không thả rông trâu, bò ngoài trời khi nhiệt độ dưới 12 độ C; đốt lửa sưởi cho gia súc bằng trấu, mùn cưa hoặc củi khô; sưởi ấm bằng bóng điện tại chuồng đối với gia cầm.
Theo ông Sơn, khó khăn nhất hiện nay đó là sau các đợt mưa lũ, nguồn thức ăn khan hiếm, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút; cộng với tâm lý nôn nóng tái đàn để kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán trong khi các điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo; sử dụng con giống trôi nổi, không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm dịch nên rất dễ bùng phát nguy cơ dịch bệnh. Do vậy, cùng với việc chỉ đạo đội ngũ thú y cơ sở tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, báo cáo cơ quan chuyên môn xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan, ông Sơn đề nghị người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm; không được giấu dịch hoặc bán chạy vật nuôi đã bị nhiễm bệnh mà phải báo cáo ngay cho chính quyền địa phương và thú y khi thấy đàn vật nuôi của gia đình có dấu hiệu bất thường. “Ngoài ra, đối với các tổ chức, cá nhân khi hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ phục hồi sản xuất bằng con giống gia súc, gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch; được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin lở mồm long móng (LMLM), cúm gia cầm (CGC)… Đối với gia cầm không nên hỗ trợ bằng con giống 1 ngày tuổi mà tốt nhất là con giống đã úm qua 21 ngày tuổi hoặc lớn hơn, tuân thủ đúng quy trình tiêm vắc xin để đảm bảo tỉ lệ sống cao”, ông Sơn lưu ý.
Theo dự báo, tình hình thời tiết trong vụ đông xuân năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm; xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài tập trung cao điểm từ tháng 12/2020 - 2/2021. Phó Chi cục trưởng Chi cục CN&TY Đào Văn An cho biết, từ cuối tháng 11/2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các đợt mưa rét kéo dài làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các ổ dịch nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, LMLM gia súc, CGC… Do vậy, để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi, Chi cục CN&TY đã tập trung cán bộ về tận cơ sở trực tiếp hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do đói, rét và dịch bệnh có thể gây ra. Tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi mới và những địa bàn có tỉ lệ tiêm phòng đạt thấp so với tổng đàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lâm sàng các bệnh LMLM, CGC, lợn tai xanh… ở khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ. Tiếp tục triển khai quyết liệt và nghiêm túc các biện pháp phòng, chống đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Phân bổ hơn 30.000 lít hóa chất Vetvaco-Iodine và Benkocid để cho các địa phương để tổ chức tiêu độc khử trùng, phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt.
Về phía các hộ chăn nuôi, ông An khuyến cáo cần chủ động cải tạo, gia cố, che chắn, đảm bảo chuồng trại đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng. Tăng cường sưởi ấm cho vật nuôi bằng các biện pháp như thắp bóng điện công suất lớn, ủ trấu, đốt lửa, làm chuồng úm… trong những ngày rét đậm, rét hại. Dự trữ đầy đủ thức ăn, cho ăn đúng khẩu phần, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng đối với từng loại vật nuôi. Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các loại vitamin tổng hợp, đường glucose, muối khoáng, men tiêu hóa… để nâng cao khả năng chống bệnh của vật nuôi. Tuyệt đối không được thả rông trâu, bò; cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn khi nhiệt độ xuống thấp. Đối với gia cầm dưới 30 ngày tuổi chỉ nên thả vườn khi nhiệt độ ngoài trời trên 16 độ C, trời tạnh ráo. Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, hạn chế tối đa người ra vào khu chăn nuôi, đặc biệt là các thương lái. Chủ động theo dõi tình hình thời tiết, dịch bệnh để có biện pháp ứng phó kịp thời. “Qua kiểm tra thực tế, đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn được đảm bảo an toàn; dịch bệnh được kiểm soát; chưa có trường hợp gia súc, gia cầm bị chết do đói và rét”, ông An khẳng định.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154015