Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai
ĐBP - Để chủ động phòng, chống; ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu mùa mưa lũ năm 2021, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chủ động công tác dự báo, xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể. Trong đó, nội dung được chú trọng là nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện phương châm '4 tại chỗ'.
Công nhân Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng - Quản lý đường bộ 2 Điện Biên khắc phục sạt lở đất đá do thiên tai gây ra trên quốc lộ 4H.
Xác định “phòng” là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ đập; xây dựng phương án, kế hoạch diễn tập xử lý tình huống; rà soát những nơi xung yếu, có nguy cơ xảy ra thiên tai. Đồng thời, tăng cường hoạt động đội xung kích phòng, chống thiên tai tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong mùa mưa lũ để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên chỉ đạo việc kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo tính chính xác các số liệu, thống kê thiệt hại sau thiên tai. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền, dự báo sát các tình huống thiên tai, thực hiện thông suốt hệ thống thông tin, tuyên truyền, cảnh báo; phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống thiên tai, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh, ứng phó thiên tai kịp thời đến người dân.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 3 người chết, 1 người bị thương; 353 ngôi nhà bị thiệt hại từ 30 - 70%. Mưa lũ đã làm thiệt hại trên 100ha lúa, sắn; gần 600 con gia súc, gia cầm bị chết; nhiều công trình hạ tầng bị ảnh hưởng… Ước tổng thiệt hại hơn 11,4 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã chủ động triển khai các phương án, huy động lực lượng, phương tiện, vật tư tại chỗ hỗ trợ người dân ứng phó với ngập lụt, sạt lở; thực hiện kịp thời công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả. Các cấp, các ngành với nhiệm vụ được phân công đã chủ động thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, kiểm lâm đã huy động hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai, chữa cháy rừng và khắc phục hậu quả cháy nhà trên địa bàn. Chính quyền địa phương chủ động sử dụng các nguồn lực hỗ trợ người dân ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngành Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thương mại xây dựng kế hoạch và chủ động dự trữ lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh, khẩu trang, hóa chất khử khuẩn… để đáp ứng kịp thời khi xảy ra thiên tai. Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương án được phê duyệt, sẵn sàng huy động đưa vào sử dụng khi cần; tổ chức phân bố hợp lý xuống các địa bàn, sẵn sàng phục vụ trong mọi điều kiện thời tiết. Đến nay các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa trị giá gần 30 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu như: 65.000 thùng mỳ tôm các loại; 350 tấn gạo; 4.000 thùng nước uống đóng chai; 300m3 xăng E5, 300m3 dầu diezel, 10m3 dầu hỏa; 2.000 tấm tôn lợp, 1 tấn đinh vít, 9 tấn dây thép 2 ly …
Thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai trong năm 2021. Trong đó xác định những vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và các đối tượng dễ bị tổn thương để đưa vào phương án ứng phó phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các ngành chức năng, địa phương rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra.