Chủ động phòng chống lao tại cộng đồng

Lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh, có nhiều nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Những năm qua, Bệnh viện Phổi Sơn La đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm giảm tác hại và ngăn chặn, khống chế bệnh lao.

Khám sàng lọc, thử phản ứng Mantoux phát hiện mắc lao cho nhân dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Khám sàng lọc, thử phản ứng Mantoux phát hiện mắc lao cho nhân dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu.

Bác sĩ CKI Bùi Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Sơn La, cho biết: Hằng năm, đơn vị đã tham mưu cho Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh duy trì mạng lưới chống lao tại 12 huyện, thành phố và 204 xã, phường, thị trấn. Triển khai khám, phát hiện và quản lý điều trị lao tại cơ sở, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe đối với bệnh nhân lao...

Công tác truyền thông được đẩy mạnh, năm 2023, Bệnh viện Phổi Sơn La, trung tâm y tế các huyện, thành phố và trạm y tế các xã đã tổ chức hơn 30 buổi tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về bệnh lao tại các cụm dân cư, lồng ghép về bệnh lao trong các cuộc họp xã, phường, thôn bản cho hơn 1.400 lượt người. Treo áp phích, băng rôn, phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống lao tại những nơi tập trung đông dân cư. Bên cạnh đó, Bệnh viện Phổi Sơn La thường xuyên cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do tỉnh, Trung ương tổ chức để nâng cao trình độ, tiếp nhận các danh mục kỹ thuật cao ứng dụng trong điều trị bệnh. Từ năm 2018 đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm; xét nghiệm Xpert, tiếp nhận máy móc trang thiết bị hiện đại, như: Máy giúp thở xâm nhập và không xâm nhập; máy siêu âm, monitor theo dõi điều trị bệnh nhân và cử cán bộ đi đào tạo để sử dụng có hiệu quả các máy móc, thiết bị mới trong điều trị.

Bác sĩ CKI Cao Minh Trúc, Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện cho biết: Cùng với việc đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, và đội ngũ y bác sĩ được cử đi tập huấn, nên chúng tôi nhanh chóng sử dụng thành thạo các thiết bị mới trong khám, điều trị, vừa tiết kiệm thời gian, công sức vừa nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lao. Năm 2023, Bệnh viện đã khám và làm xét nghiệm cho 3.247 người; tỷ lệ điều trị lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học thành công đạt 96,4%, tăng 7,4 % so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2023, được sự hỗ trợ của Chương trình chống lao Quốc gia, sự chỉ đạo của Sở Y tế, Bệnh viện đã phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai triển khai khám sàng lọc phát hiện chủ động bằng xe lưu động. Trong đó, tập trung vào các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, như: Người sống cùng với người mắc bệnh lao, người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao, người bị các bệnh mãn tính, người mắc bệnh đường hô hấp, HIV, người điều trị corticoid kéo dài... Trung tâm y tế các huyện cũng đã tổ chức truyền thông đến các xã, lập danh sách những đối tượng tiếp xúc với bệnh nhân lao từ năm 2021 và năm 2022 và bệnh nhân nghi lao đến khám và xét nghiệm. Qua khám sàng lọc 4.800 người đã phát hiện 18 trường hợp mắc lao có bằng chứng vi khuẩn học; hội chẩn điều trị 15 trường hợp lao phổi không có bằng chứng vi khuẩn học.

Anh Cà Văn Đôi, bản Nà Sành, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, cho biết: Bản thân là một trong những bệnh nhân được phát hiện trong đợt khám sàng lọc lao tại cộng đồng năm 2022. Sau đó được tư vấn để đến Bệnh viện Phổi Sơn La điều trị. Sau 3 tháng điều trị tại nhà theo phác đồ điều trị của chương trình chống lao quốc gia, đến nay, tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn.

Với nỗ lực của cán bộ, nhân viên y tế trong công tác truyền thông, khám, phát hiện, điều trị bệnh lao, các chỉ tiêu thực hiện chương trình chống lao năm sau luôn đạt cao hơn năm trước. Với những kết quả đạt được, tin rằng, Sơn La sẽ cùng cả nước đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-lao-tai-cong-dong-cduVQo5Sg.html