Chủ động phòng, chống ngập úng và sạt lở đất
Hạ Hòa là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đặc biệt là ngập úng, sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước những diễn biến phức tạp về thiên tai, thời tiết, ngay từ đầu năm...
(baophutho.vn)
- Hạ Hòa là địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, đặc biệt là ngập úng, sạt lở đất, gây thiệt hại về người và tài sản. Trước những diễn biến phức tạp về thiên tai, thời tiết, ngay từ đầu năm, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn đề xuất phương án chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân.
Những năm gần đây, do sự biến đổi khí hậu, dòng chảy trên sông Thao thay đổi liên tục nên dễ xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông. Huyện đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp chủ động kiểm tra, rà soát những điểm xung yếu, nơi tiềm ẩn nguy cơ để lên phương án ứng phó. Theo thống kê, toàn huyện có chiều dài đường bờ đê dọc sông Thao trên 70km, trong đó có một số vị trí trọng điểm trên quốc lộ 2D đoạn từ K17- K19 thuộc thị trấn Hạ Hòa và đoạn K1,5 - K11,91 ở xã Tứ Hiệp, có cao trình thấp cần phải chú trọng khi mùa mưa bão đến gần. Cùng với đó, tuyến đê bao Đồng Phạm xã Hiền Lương có chiều dài 4,6km, một số đoạn thân đê có dấu hiệu bị rò rỉ, mái đê dốc nên dễ xảy ra sạt trượt, rò rỉ. Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, sau khi rà soát, đánh giá thực trạng, huyện đã có văn bản đề xuất với cơ quan chức năng xem xét, hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp một số công trình, tuyến đê đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Bên cạnh đó, vào mùa mưa lũ, huyện chú trọng tới hệ thống các hồ, đập, phai dâng, cống tiêu thoát nước để xác định là các trọng điểm, có nguy cơ xảy ra nguy hiểm khi có mưa lớn kéo dài nhằm xây dựng phương án, hỗ trợ kinh phí đầu tư, nâng cấp, đảm bảo an toàn mùa mưa bão.Không chỉ sạt lở bờ đê, vài năm trở lại đây, Hạ Hòa còn là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, trong năm 2020, trận lũ quét vào ngày 26 - 27/9 đã khiến cho 2 người trên địa bàn xã Ấm Hạ bị thiệt mạng. Ông Văn Thanh Quân- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Lũ quét là loại hình thiên tai xảy ra bất thường và có mức độ nguy hiểm cao, vì vậy, với đặc thù huyện có nhiều xã thuộc khu vực núi cao, nhiều hộ dân sống quanh khu vực chân núi, ven chân đồi, chúng tôi đã yêu cầu các địa phương thống kê, rà soát, lập danh sách các hộ có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để xây dựng phương án di chuyển khi cần thiết. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không được chủ quan và có tâm lý e ngại nếu phải di dời trong điều kiện cần thiết”.Để đạt được hiệu quả tối đa trong công tác phòng, chống thiên tai cần sự chủ động của các cấp chính quyền và ý thức tự giác của người dân. Theo đó, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động triển khai, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Phân công cán bộ phụ trách theo từng khu vực và theo dõi chặt chẽ diễn biến khi có mưa lũ để có thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân, nhất là đối với các địa phương có nguy cơ cao về sạt lở đất đá, lũ ống, lũ quét, ngập úng. Đồng thời, phối hợp chính quyền, khu dân cư kiểm tra, rà soát các hộ dân sống ở vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, sẵn sàng sơ tán dân; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo quy định, sẵn sàng đối phó với mưa bão. Song song với đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai cho cán bộ và nhân dân biết, cùng thực hiện nhằm giảm thiểu mức thấp nhất rủi ro do thiên tai gây ra.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202106/chu-dong-phong-chong-ngap-ung-va-sat-lo-dat-177527