Chủ động phòng, chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Theo dự báo của ngành chức năng, từ cuối tháng 1 đến tháng 3/2025, thời tiết có một số đợt không khí lạnh tăng cường xuống các tỉnh, thành phố phía Bắc gây rét đậm, rét hại. Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, nhiều hộ chăn nuôi đã tiến hành tái đàn vật nuôi. Vì vậy, các địa phương, người chăn nuôi trong tỉnh cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp chăm sóc, chống rét và phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm (GSGC), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại và dịch bệnh gây ra.

Hộ chăn nuôi sưởi ấm cho đàn gà đẻ trong những ngày thời tiết rét đậm.

Hộ chăn nuôi sưởi ấm cho đàn gà đẻ trong những ngày thời tiết rét đậm.

Không khí lạnh tăng cường gây rét đậm, rét hại kéo dài, kết hợp với mưa phùn khiến nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn, độ ẩm không khí cao, là điều kiện thuận lợi để các loại dịch bệnh phát sinh, lây lan. Trong khi đó, để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2025, hầu hết các trang trại, gia trại đều đã xuất bán các loại lợn, gà, trâu, bò... Ngay sau khi xuất bán hết GSGC, các gia đình, chủ trang trại đã tổ chức vệ sinh hệ thống chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng và quét vôi bột để khử khuẩn… chuẩn bị tái đàn. Xã Kim Thái là địa phương có truyền thống chăn nuôi của huyện Vụ Bản với tổng đàn lợn đạt trên 25 nghìn con. Trang trại của gia đình anh Trần Văn Khắc, xóm Báng G, có quy mô lớn tại địa phương. Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ vừa qua, trang trại đã xuất bán ra thị trường gần 300 con lợn. Ngay sau khi xuất bán lợn, gia đình anh đã vệ sinh toàn bộ chuồng trại, khu vực nuôi, phun thuốc sát trùng và quét vôi bột để khử khuẩn. Anh Khắc cho biết: “Việc tái đàn thường được tập trung vào khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3. Hiện đang là thời điểm giao mùa nên cần tăng cường phòng, chống dịch bệnh, chống rét để bảo đảm an toàn cho đàn lợn. Gia đình tôi đã bảo vệ đàn lợn giống bố mẹ để bảo đảm chủ động con giống chất lượng phục vụ tái đàn. Đến thời điểm này, gia đình tôi đã tái đàn với 200 con lợn đang phát triển tốt”...

Trước những diễn biến bất thuận của thời tiết, để phòng, chống rét cho đàn GSGC, các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp. Mùa đông hàng năm, anh Phạm Ngọc Vượng, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đều chủ động sửa sang, mua bạt để che chắn chuồng bảo vệ đàn bò của gia đình. Những ngày qua, nền nhiệt xuống thấp nên anh Vượng không chăn thả đàn bò như thường ngày mà chủ động nuôi nhốt, che chắn chuồng trại, đệm thêm rơm, rạ và cho bò ăn bằng những loại thức ăn giàu dinh dưỡng. Ông Nguyễn Văn Đang, xã Nam Thái (Nam Trực) cho biết: “Trang trại nhà tôi đang nuôi gần 2.000 con gà thịt. Thời tiết mưa, rét khiến đàn gà rất dễ phát bệnh, vì thế tôi đã tiến hành sưởi ấm cho đàn gà vào ban đêm và những ngày rét đậm, rét hại, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp. Đồng thời, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch như định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi, bảo đảm đàn gà khỏe mạnh, phát triển ổn định”.

Trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường các biện pháp phòng, chống rét cho đàn GSGC. Ngành chuyên môn khuyến cáo bà con nông dân thực hiện triệt để các nguyên tắc trong chăn nuôi, tiêm phòng đủ, không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp, tổ chức che chắn chuồng trại và chăm sóc, phòng bệnh cho đàn GSGC trong những ngày rét đậm. Đồng chí Mai Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) cho biết: Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, tình hình dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan, thực hiện chỉ đạo của Sở NN và PTNT, Chi cục đã chủ động phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường giám sát dịch bệnh, chủ động tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi cần chuẩn bị chuồng trại bảo đảm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi nhập con giống mới, chuồng trại phải phù hợp với từng loại vật nuôi. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tập trung tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho người chăn nuôi tái đàn bảo đảm an toàn dịch bệnh; chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Theo cơ quan chuyên môn, khi tái đàn cần chú ý đến chất lượng con giống, duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm nguồn con giống có chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Khi nhập con giống bên ngoài, nên tìm hiểu các cơ sở có uy tín. Sau khi mua con giống, cần chủ động tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh và áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, những ngày đầu cần thường xuyên theo dõi, giám sát sức khỏe đàn vật nuôi để chủ động các biện pháp phòng và trị bệnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, tăng cường năng lực sản xuất giống GSGC tại địa phương để có con giống với giá thành phù hợp trong quá trình sản xuất. Đặc biệt, người chăn nuôi tuyệt đối không chủ quan, triển khai đầy đủ các biện pháp và khuyến cáo của chính quyền để phòng, chống dịch bệnh xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thời tiết, dịch bệnh gây ra. Đối với GSGC non phải được nuôi trong chuồng úm có thắp điện sưởi ấm ít nhất 2-4 tuần tuổi. Vào những ngày mưa, ẩm độ không khí tăng cao nên dùng quạt để thông gió, tạo thông thoáng cho chuồng nuôi. Cung cấp cho vật nuôi khẩu phần ăn đầy đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng. Các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi cần chủ động dự trữ và sử dụng nguồn thức ăn chăn nuôi hợp lý. Đối với gia súc chỉ chăn thả khi thời tiết ấm áp và chăn thả ở nơi cao ráo, sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh để phòng các bệnh như viêm ruột, ỉa chảy, lở mồm, long móng. Đối với đàn lợn và đàn gia cầm, cần chú ý giữ gìn vệ sinh chung, khống chế nhiệt độ và ẩm độ chuồng nuôi, bảo đảm nguồn thức ăn, nước uống đề phòng các bệnh viêm ruột, ỉa chảy, bệnh lỵ, thương hàn, bệnh cầu trùng, bệnh phân trắng lợn con. Đối với đàn gia cầm nên chủ động dùng thuốc để phòng bệnh cầu trùng, Ecoli, phó thương hàn, hen suyễn... theo quy trình kỹ thuật hoặc tư vấn của cán bộ thú y. Thường xuyên vệ sinh, xử lý môi trường chuồng nuôi để bảo đảm đàn GSGC phát triển ổn định, không bị nhiễm bệnh.

Bài và ảnh: Văn Đại

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202502/chu-dong-phong-chong-ret-vadich-benhcho-dan-vat-nuoi-be86548/