Chủ động phòng chống thiên tai từ cơ sở

Lực lượng phòng chống thiên tai cơ sở là nòng cốt để xử lý nhanh các sự cố thiên tai trước khi có lực lượng bên ngoài ứng cứu.

Mỗi năm lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở trong tỉnh phát hiện từ 2.000-3.000 ổ mối trong thân đê

Mỗi năm lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở trong tỉnh phát hiện từ 2.000-3.000 ổ mối trong thân đê

Để thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", lực lượng xung kích phòng chống thiên tai (PCTT) ở cơ sở luôn phải là nòng cốt. Chỉ có xây dựng lực lượng này thật tốt mới từng bước nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai, tiến tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn.

Lực lượng nòng cốt

Ngày 20.9.2018, ngoài đê bối thuộc xóm Độc Lập, thôn Chí Linh 3, xã Nhân Huệ (Chí Linh) bất ngờ xảy ra sự cố sạt lở bãi sông. Điểm sạt lở dài hơn 130 m, lấn sâu vào bãi trên 30 m, cung sạt thẳng đứng cao từ 5 - 6 m. Sự cố gây thiệt hại về tài sản và đe dọa trực tiếp đến an toàn của 7hộ trong xóm. Sau khi nhận được tin báo, đội xung kích PCTT xã Nhân Huệ đã di dời người dân và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Lực lượng này đã cắm biển và dựng hàng rào cảnh báo, cắm tiêu theo dõi diễn biến sạt lở... Xã cũng nhanh chóng hỗ trợ mỗi hộ 5 triệu đồng để góp phần ổn định đời sống của người dân bị ảnh hưởng.

Xã Nhân Huệ có hơn 3,6 km đê tả sông Thái Bình và tả sông Kinh Thầy, 3,8 km đê bối. Khu vực ngoài bối Nhân Huệ có khoảng 170 ha đất, vừa là nơi ở vừa là khu vực sản xuất của hơn 2.300 hộ ở các thôn Chí Linh 1, 2 và 3. Ông Bùi Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Huệ cho biết: Là địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của xã là làm tốt công tác PCTT tại chỗ. Hằng năm, địa phương đều xây dựng đội xung kích PCTT với 130 người, đội tuần tra canh gác đê và đội cắm cừ, đào mò chuyên nghiệp. Trước mỗi mùa mưa bão, lực lượng PCTT đều được tập huấn, diễn tập xử lý các tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Xã Thanh Quang (Thanh Hà) được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Thanh Bính, Trường Thành và Hợp Đức. Sau khi hợp nhất, xã có gần 10 km đê bao quanh các sông Gùa, Thái Bình, Văn Úc. Hầu hết các tuyến đê có địa chất kém, chủ yếu là đất pha cát, sông sát chân đê. Trong thân đê có nhiều tổ mối, chuột, ít tre chắn sóng, lòng sông hẹp, lưu lượng nước lớn nên dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Để chủ động phòng chống, xã xây dựng lực lượng xung kích gồm 120 người, chủ yếu là dân quân tự vệ ở địa phương. Lực lượng này thường xuyên được huấn luyện và có nhiệm vụ theo dõi mọi diễn biến của đê, kè, cống. Hằng năm, xã đều xây dựng các tình huống thiên tai có thể xảy ra và chuẩn bị vật tư, phương tiện tại chỗ để sẵn sàng xử lý sự cố. Ngoài một số vật tư như đá hộc, rọ thép... được cấp kinh phí mua, các thôn, xóm đều chủ động chuẩn bị tre, rào, rơm, rạ, đất dự trữ... để hộ đê khi cần thiết.

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở luôn chủ động phương án đối phó với tình huống thiên tai có thể xảy ra tại địa phương

Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cơ sở luôn chủ động phương án đối phó với tình huống thiên tai có thể xảy ra tại địa phương

Phản ứng nhanh, xử lý sự cố kịp thời

Hải Dương có hệ thống công trình đê điều tương đối lớn gồm 19 tuyến đê với tổng chiều dài hơn 373 km. Trong đó, đê từ cấpIII trở lên dài 255,9 km, 117,3 km đê dưới cấpIII; 78 tuyến kè, 12 vị trí bờ lở, 278 cống dưới đê, 8 tuyến đê bối dài 28,8 km. Các tuyến đê đều xuất hiện nhiều ẩn họa trong thân đê như tổ mối, tổ chuột... Hằng năm, các địa phương phát hiện, xử lý từ 2.000- 3.000 tổ mối, tổ chuột trong thân đê. Ngoài ra, còn nhiều lỗ rò, nứt... Đây luôn là những hiểm họa cần được kiểm tra, phát hiện và xử lý thường xuyên. Do vậy, lực lượng xung kích PCTT ở cơ sở là lực lượng quan trọng để phòng ngừa và xử lý sự cố thiên tai ngay từ sớm.

Hiện nay, tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều đã kiện toàn và xây dựng lực lượng xung kích PCTT với tổng số hơn 24.600 người. Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh, để ứng phó với thiên tai, lực lượng PCTT tại chỗ đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là thời điểm mới xảy ra sự cố. Đây là lực lượng phản ứng nhanh, có thể kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp trước khi có lực lượng bên ngoài ứng cứu. Ở một số địa phương, lực lượng này hiện vẫn thiếu trang thiết bị, hoạt động mang tính hình thức. Để hỗ trợ các địa phương xây dựng lực lượng xung kích theo mô hình thống nhất, phù hợp, mới đây Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã ban hành tài liệu hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích PCTT cấp xã. Đây là cơ sở để các địa phương hoàn thiện đội xung kích PCTT.

Theo dự báo, các yếu tố thời tiết cực đoan trong mùa mưa bão rất dễ xảy ra. Các địa phương cần tập trung xây dựng lực lượng xung kích cơ sở đủ mạnh để ứng phó. Đây cũng là nội dung chính trong Tuần lễ PCTT năm nay với chủ đề “Phòng chống thiên tai chủ động, hiệu quả từ lực lượng xung kích cơ sở". Xây dựng và sử dụng có hiệu quả đội xung kích PCTT tại chỗ là yếu tố quan trọng để chủ động ứng phó và giảm nhẹ rủi ro do thiên tai gây ra.

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/chu-dong-phong-chong-thien-tai-tu-co-so-137032