Chủ động phòng ngừa bệnh dại

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút dại cổ điển gây nên. Một khi bệnh Dại khởi phát, sẽ gây tử vong gần như 100% đối với người bệnh. Cho đến nay, bệnh Dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên bệnh có thể phòng ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn chủ động tiêm phòng vắc xin kịp thời, đầy đủ, đúng theo phác đồ chỉ định của thầy thuốc.

 Người nuôi chó phải tiêm phòng dại đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Ảnh: HN

Người nuôi chó phải tiêm phòng dại đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Ảnh: HN

Khảo sát tại các cơ sở Y tế có dịch vụ tiêm vắc xin phòng dại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, hiện nay, có rất nhiều người dân bị các loại động vật như chó, mèo, dơi, chuột… cắn chủ động đến đây tiêm phòng tránh nguy cơ mắc bệnh Dại.

Ông Đinh Văn Duyền ở thị trấn Hải Lăng cho biết bản thân ông hiện đang tiêm phòng dại tại Trung tâm Y tế huyện vì bị chó cắn khi đang chạy xe trên đường đi ăn cưới nhà bà con. Ông không thể biết được con chó cắn mình là vật nuôi của nhà ai để theo dõi nên biện pháp phòng bệnh tốt nhất là đến Trung tâm Y tế để chủ động tiêm phòng. “Nhận thức về bệnh Dại của người dân trong những năm gần đây được nâng cao là tín hiệu rất đáng mừng. Họ đã chủ động hơn và hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của bệnh Dại cũng như biết cách ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít người dân chủ quan, thờ ơ với căn bệnh nguy hiểm này. Để góp phần bảo vệ sức khỏe và tính mạng của cộng đồng, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, tư vấn phòng chống bệnh Dại rộng rãi đến người dân trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc khuyến cáo người dân phải chủ động đến ngay cơ sở y tế để được điều trị khi bị vật nghi dại cào, cắn, liếm hay có tiếp xúc với vi rút dại; không được tự ý chữa trị tại nhà bằng thuốc nam hoặc phương pháp dân gian để tránh các hậu quả đau lòng và phòng nguy cơ mắc bệnh Dại”, bác sĩ CKI Lê Phước Nho, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng cho biết.

Đối với bệnh Dại, mùa hè (từ tháng 4 đến tháng 8) chính là thời gian cao điểm khiến bệnh có những diễn biến phức tạp nhất. Vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức trên 40 độ C, khi mức nhiệt môi trường vượt ngưỡng chịu đựng của động vật sẽ dẫn đến các biến đổi sinh học của động vật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con vật. Điều này làm phát sinh một số bệnh truyền nguy hiểm, trong đó phải kể đến bệnh Dại ở chó, mèo.

Về cơ chế gây bệnh, Bác sĩ Nguyễn Khị Kim Huệ, Thư ký chương phòng chống bệnh Dại, Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng trị cho biết: Khi một người bị chó, mèo cào, cắn, liếm…, vi rút Dại xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, vi rút tăng sinh tại các tế bào cơ, theo đường dây thần kinh ngoại biên lên não gây tổn thương các tế bào thần kinh trung ương, đặc biệt là vùng sừng Amon, hành não. Vi rút có trong nước bọt, nước tiểu, dịch não tủy, tập trung nhiều nhất ở não. Cơ quan tổn thương chính trong bệnh Dại là não, tủy với tính chất não viêm từng chỗ, tổn thương cả chất xám lẫn chất trắng. Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu viêm não với biểu hiện tính hung tợn, kích thích thần kinh vận động, ảo giác, co giật, động kinh và hôn mê ngay sau đó, rất hiếm khi các triệu chứng xuất hiện từ từ (khoảng 20% bệnh nhân). Bệnh nhân tử vong trong vòng 3 - 4 ngày do ngừng thở bởi 1 cơn co thắt hoặc liệt cơ hô hấp. Ở những người bị chó dại cắn, có được tiêm vắc xin nhưng tiêm muộn thì triệu chứng dại xuất hiện không đầy đủ và không điển hình. Bệnh nhân có thể không có triệu chứng sợ nước, sợ gió, bị liệt dần dần, khi liệt tới các cơ hô hấp thì tử vong.

Hiện nay, tập quán nuôi chó mèo thả rông, không thể kiểm soát được số lượng chó mèo nuôi, tỉ lệ tiêm phòng dại ở động vật và người còn hạn chế cùng tình trạng khan hiếm vắc xin dại cho người trong những năm gần đây đã khiến cho tình hình diễn biến bệnh Dại trở nên phức tạp hơn các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, ý thức phòng tránh của người dân rất quan trọng. Khi bị chó mèo cắn, cào, liếm (đặc biệt nguy hiểm nếu bị chó cắn ở vùng đầu - mặt - cổ, đầu chi là nơi có nhiều dây thần kinh), cần rửa kỹ vết thương bằng nước xà phòng đậm đặc và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng bằng nước muối, bôi chất sát trùng như cồn, cồn iốt để giảm lượng vi rút tại vết cắn, đồng thời đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Lưu ý chỉ khâu vết thương trong trường hợp cần thiết theo đúng chỉ định và phải khâu ngắt quãng; tiêm vắc xin uốn ván và điều trị chống nhiễm khuẩn nếu cần. Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có chỉ định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt.

Để chủ động phòng ngừa bệnh dại, bác sĩ Kim Huệ đưa ra khuyến cáo: Cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan thú y và y tế thực hiện giám sát nơi có ổ dịch chó dại cũ, nơi thường xảy ra bệnh Dại ở súc vật, những nơi mua bán chó mèo; không bán hoặc tiêu thụ động vật nghi ngờ dại; có trách nhiệm tiêm phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của các bác sĩ hoặc cán bộ thú y; giữ giấy chứng nhận tiêm phòng chó và xuất trình trong thời gian tiêm phòng hằng năm; đối với những người có nguy cơ bị nhiễm vi rút Dại cao như nhân viên thú y, kiểm dịch động vật, lò giết mổ súc vật, làm việc trong phòng thí nghiệm có vi rút dại cần được tiêm phòng chủ động bằng vắc xin dại tế bào có hiệu lực bảo vệ cao và tiêm nhắc định kỳ đúng lịch.

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ loại thuốc nào điều trị đặc hiệu, chỉ có tiêm phòng mới có thể phòng ngừa được nguy cơ mắc bệnh. Do đó, một khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người bệnh cần được tiêm vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt. Việc tiêm phòng cần được thực hiện kịp thời, đúng, đầy đủ theo phác đồ thầy thuốc đưa ra để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=149603