Chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em

Trẻ em (TE) là nhóm có nguy cơ tử vong cao khi bị đuối nước. Phòng, chống tai nạn đuối nước cho TE là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, cha mẹ phải là những người đi đầu trong việc giám sát, nhắc nhở, cảnh báo để mỗi em luôn ý thức được sự nguy hiểm của việc đi tắm, đi bơi ở sông, rạch, ao, hồ... và tạo điều kiện để các em nâng cao ý thức, có kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước.

Các sở, ngành, đoàn thể phối hợp kiểm tra công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại TP.Dĩ An

Nhiều khó khăn trong phòng, chống đuối nước

Hiện nay, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho TE từ 5-14 tuổi. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình đuối nước TE đã giảm trong những năm vừa qua, mỗi năm giảm từ 3%-5%, tương đương trung bình mỗi năm giảm 100 trường hợp. Tuy vậy, mỗi năm cả nước vẫn còn gần 2.000 TE dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước.

Tại Bình Dương, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác phòng, chống tai nạn thương tích TE đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng TE tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước vẫn còn diễn ra. Hàng năm, UBND tỉnh chủ động ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ TE trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, ngành y tế tỉnh có nhiều công văn thực hiện công tác phòng, chống đuối nước, xây dựng mô hình xã, phường, thị trấn phù hợp với TE, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống đuối nước vẫn tồn tại một số hạn chế nhất định. Đặc biệt, việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước tại các địa phương còn hình thức, chưa hiệu quả. Một sốgia đình còn buông lỏng, không quản lý, giám sát chặt chẽ con em mình; trẻ thiếu kỹ năng phòng, chống đuối nước, an toàn trong môi trường nước và tự cứu đuối nước.

Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Giang Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để phòng, chống đuối nước cho TE, các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Các địa phương tích cực mở nhiều lớp dạy bơi cho TE, vận động, khuyến khích cha mẹ đưa con trẻ tham gia các khóa, lớp học bơi để các em có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đặc biệt, các địa phương cần thường xuyên rà soát, kiểm tra các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước như các công trình chứa nước, cống thoát nước; vận động gia đình làm rào chắn đối với kênh, mương gần nhà.

9 cách phòng ngừa đuối nước ở trẻ

Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Tình trạng đuối nước ở trẻ được ghi nhận nhiều vào mùa hè, tiết trời nắng nóng, mùa mưa lũ... Nguyên nhân là do cha mẹ, người chăm trẻ và trẻ còn chủ quan, chưa biết nguyên tắc an toàn với môi trường nước, chưa biết bơi, chưa có kinh nghiệm cứu đuối nước và sơ cấp cứu.

Địa điểm xảy ra đuối nước thường ngay trong nhà hoặc gần nhà, trên đường trẻ đi học, gần nơi vui chơi của trẻ, các khu vực giếng nước, hồ, ao, biển, sông, ngòi, hố nước của các công trình, hố trồng cao su hoặc dụng cụ chứa nước như: Thùng, lu, chậu, bồn tắm...

Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở TE, bà Nguyễn Thị Giang Nhung khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc trẻ tại gia đình và cơ sở nuôi dưỡng trẻ cần thực hiện 9 biện pháp:

1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...

2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.

3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm…).

5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.

6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.

7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.

8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò…).

9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.

Thời gian chịu đựng thiếu ô xy của não tối đa chỉ từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không thể hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. Vì vậy, khi thấy trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (ép tim, thổi ngạt) ngay. Đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ”.

(Bà Nguyễn Thị Giang Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/chu-dong-phong-ngua-duoi-nuoc-o-tre-em-a306779.html