Chủ động phòng ngừa nguy cơ sạt lở, đá lăn

Mường La có địa bàn rộng, chia cắt bởi nhiều đồi, núi. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa lũ, trên địa bàn huyện thường xảy ra sạt trượt đất, đá lăn. Trước thực trạng đó, huyện Mường La đã chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa sạt lở, đá lăn.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Mường La, từ đầu năm đến nay, giông lốc, mưa lũ gây sạt lở, đá lăn làm 1 người bị thương; 310 ngôi nhà bị ảnh hưởng; sạt lở khoảng 4.500m3 đất, đá gây hư hỏng tại 25 điểm trên các tuyến đường…

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện kiểm tra các điểm nguy cơ sạt lở tại bản Lọng Bong, xã Hua Trai.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện kiểm tra các điểm nguy cơ sạt lở tại bản Lọng Bong, xã Hua Trai.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, thông tin: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã rà soát các khu vực xung yếu, tiềm ẩn nguy cơ cao để xây dựng phương án xử lý các khối đá có nguy cơ lăn xuống khu dân cư; huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống kè gia cố các vị trí tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, đá, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Vào cuối tháng 7, khu vực bản Ít, xã Nặm Păm có nguy cơ sạt lở xuống khu dân cư, gây mất an toàn đối với tài sản và tính mạng của người dân trong bản. Huyện Mường La đã phối hợp với Bộ CHQS tỉnh khảo sát, lên phương án và thực hiện phá các khối đá có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.

Khối đá có nguy cơ lăn xuống khu dân cư bản Ít (trước khi được lực lượng chức năng xử lý).

Khối đá có nguy cơ lăn xuống khu dân cư bản Ít (trước khi được lực lượng chức năng xử lý).

Trực tiếp chỉ đạo việc phá các khối đá có nguy cơ lăn xuống khu vực bản Ít, xã Nặm Păm, Đại úy Lê Hùng Vương, Bộ CHQS tỉnh, thông tin: Bộ CHQS tỉnh đã cử 15 cán bộ, chiến sĩ là lực lượng công binh, sử dụng máy ép hơi để khoan lỗ, bóc tách và di chuyển khối đá ra khỏi vị trí mất an toàn. Quá trình triển khai đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng thi công và nhân dân.

Anh Lường Văn Quý, bản Ít, chia sẻ: Nhà chúng tôi ở ngay dưới chân núi, sau những trận mưa lớn là cả nhà bất an vì nỗi lo nguy hiểm đá lăn luôn rình rập. Sau khi lực lượng quân sự xử lý xong các khối đá, đảm bảo an toàn tuyệt đối, nguy cơ đá lăn không còn, gia đình tôi và các hộ lân cận đã yên tâm sinh sống, lao động sản xuất.

Lực lượng Công binh xử lý đá có nguy cơ lăn xuống khu dân cư tại bản Ít, xã Nặm Păm.

Lực lượng Công binh xử lý đá có nguy cơ lăn xuống khu dân cư tại bản Ít, xã Nặm Păm.

Qua rà soát, có trên 700 hộ gia đình thuộc các xã trên địa bàn huyện, nằm trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai cần phải di dời. Huyện đã rà soát và xuất với tỉnh để tiến hành di dời dân đến nơi an toàn. Theo đó, có 16 dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, quy mô 728 hộ, tổng kinh phí thực hiện trên 285 tỷ đồng, đã hoàn thành 5 dự án với 176 hộ, tổng kinh phí trên 61 tỷ đồng; đang thực hiện 3 dự án với tổng số 120 hộ, tổng kinh phí trên 53 tỷ đồng; dự kiến đến năm 2025, thực hiện 4 dự án với 170 hộ.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp huyện Mường La chủ động theo dõi dự báo thời tiết, kịp thời di dời người và tài sản tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao đến nơi an toàn; tuyên truyền đến các hộ dân hiện đang sinh sống tại dọc ven sông, suối, sườn đồi và các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, núi đá… Đồng thời, kiểm tra các vị trí xung yếu trên địa bàn để đề xuất giải pháp phòng ngừa và ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Lam Giang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/chu-dong-phong-ngua-nguy-co-sat-lo-da-lan-eAHlhCrIg.html