Chủ động phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Không phải ngẫu nhiên mà bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hiện được xem là ' Kẻ giết người thầm lặng' hay ' Sát thủ vô hình'. Hiện nay, COPD được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nguyên nhân gây tử vong thứ 4, mỗi năm căn bệnh này đã cướp đi mạng sống của hơn 3 triệu người trên toàn thế giới. Riêng ở Việt Nam, COPD xếp thứ 3 nguyên nhân gây tử vong, trên cả bệnh ung thư và chỉ đứng sau bệnh tai biến mạch máu não. Bệnh tuy không chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể chủ động phòng tránh và tăng tỉ lệ sống cho người mắc bằng cách phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 Đo chức năng thông khí giúp phát hiện bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính

Đo chức năng thông khí giúp phát hiện bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính

Trường hợp của ông Nguyễn B. ở khu phố 6, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh được phát hiện mắc bệnh COPD trong một lần khám sàng lọc do Bệnh viện chuyên khoa (BVCK) Lao và bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị tổ chức khám lưu động tại cộng đồng. Ông cho biết bản thân trước đây hay mệt mỏi, khó thở, tức ngực nhưng chỉ nghĩ là bệnh của tuổi già. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của ông kéo dài mà không thuyên giảm. Nhân có đợt khám sàng lọc của BVCK Lao và bệnh Phổi tỉnh tổ chức khám cho người dân tại địa phương, ông đến khám và sau khi biết được tình trạng của bản thân, ông đã được giới thiệu đến BVCK Lao và bệnh Phổi tỉnh để tiếp tục được điều trị tích cực.

Cũng như trường hợp của ông Nguyễn B., rất nhiều người tại cộng đồng không được phát hiện sớm tình trạng bệnh COPD khi đang ở giai đoạn sớm. Cũng như tình trạng của nhiều bệnh nhân đang điều trị tại BVCK Lao và bệnh Phổi tỉnh, ông Nguyễn Xuân H. ở thôn An Trú, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong nhập viện trong tình trạng suy kiệt, ho nhiều, khó thở, người gầy sút. Sau khi được chẩn đoán mắc COPD và được điều trị tích cực theo đúng phác đồ của bệnh, ông H. cho biết bản thân đã khỏe lên rất nhiều, mặc dù vẫn còn ho nhưng tình trạng bệnh đã thuyên giảm đến 70- 80%. Ông cảm thấy rất vui mừng và cho biết sẽ tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của các y, bác sĩ tại đây để có thể sớm được xuất viện về nhà trong thời gian ngắn.

Bác sĩ Phan Thị Thanh Trà, BVCK Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: “Đáng nói là đa phần bệnh nhân nhập viện điều trị thường là khi bệnh biến chuyển nặng, có người sang giai đoạn bị suy hô hấp. Nguyên nhân là do có rất nhiều người bệnh đã chủ quan bỏ qua những triệu chứng ban đầu khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh COPD là một bệnh về đường hô hấp, trong đó đường thở bị hẹp lại so với bình thường gây khó thở cho người bệnh. Nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh là do khói thuốc lá, có đến 90% bệnh nhân mắc COPD có hút thuốc lá. Tiếp đến là do ô nhiễm môi trường, không khí; do hít phải khói bếp than hoặc bụi bặm, bụi nghề nghiệp, hóa chất; do yếu tố cơ địa và nhiễm khuẩn hô hấp. Đối tượng thường mắc bệnh là những người trên 40 tuổi có tiền sử hoặc đang tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, tỉ lệ mắc bệnh cao thường là nam giới. Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra tình trạng suy giảm hô hấp, hạn chế khả năng hoạt động hằng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng ho mãn tính, kéo dài; ho có đờm, đôi khi có thể thấy đờm kèm máu; bị nhiễm trùng đường hô hấp, tình trạng cúm, cảm lạnh tái diễn nhiều lần; khó thở, thở gấp; đau thắt ngực, thở khò khè, mệt mỏi kéo dài; sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh. Nếu người bệnh chủ động đi thăm khám ngay khi phát hiện những yếu tố trên thì hiệu quả điều trị sẽ rất tốt, chi phí ít và đặc biệt sẽ tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh COPD gây ra. Tuy nhiên, nếu chủ quan không kiểm soát tình trạng bệnh, khi đến giai đoạn muộn, vách của các phế quản bị xơ hóa, tạo sẹo, các phế nang bị phá hủy, gây nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng suy hô hấp và tử vong sớm cho bệnh nhân. Bệnh tiến triển kéo dài trong nhiều năm và cuối cùng gây tử vong cho người mắc.

Theo thống kê, BVCK Lao và bệnh Phổi tỉnh hiện đang quản lí điều trị cho gần 200 bệnh nhân mắc bệnh COPD trên địa bàn. Cũng như thực trạng chung trong cả nước, trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân ở tỉnh ta có các yếu tố nguy cơ COPD thường không biết nên đến khám và điều trị muộn, khi bệnh đã gây ra những biến chứng nặng nề. Các biến chứng bao gồm biến chứng về tim. Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim; phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp; người bệnh sẽ có triệu chứng bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi. Khi các triệu chứng ban đầu tăng nặng, nhiều bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái khó thở đến nỗi không thể nói chuyện; móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám do nồng độ oxy trong máu thấp; có người bệnh rơi vào trạng thái lơ mơ; nhịp tim nhanh, rất nhanh. Nếu không được nhập viện ngay để điều trị dứt điểm, người bệnh sẽ gặp nhiều biến chứng cực kì nguy hiểm, thậm chí gây nên tình trạng tử vong. Việc điều trị bệnh trong giai đoạn này cũng rất phức tạp, thời gian kéo dài và rất tốn kém.

Đối với bệnh COPD, việc phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm thì sẽ làm chậm tốc độ suy giảm chức năng hô hấp, chức năng hô hấp được duy trì tốt trong thời gian dài cũng sẽ kéo dài được thời gian sống cho người bệnh. Phát hiện sớm, can thiệp sớm, kiểm soát tốt, yếu tố bệnh nặng càng giảm đi, giảm nguy cơ mắc những đợt cấp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đe dọa tính mạng người bệnh. Do đó, với những người có ít nhất một trong số các yếu tố nguy cơ sau nên chủ động đi khám để sàng lọc bệnh COPD: Hút thuốc lá, thuốc lào trên 10 năm; trực tiếp đun bếp than, củi, rơm, rạ trên 30 năm; tiếp xúc khói, bụi, hóa chất nghề nghiệp; khó thở nặng dần theo thời gian; ho liên tục nhiều tháng, nhiều năm; thường xuyên khạc đờm vào buổi sáng; bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh dị ứng, viêm mũi dị ứng hoặc mắc hen phế quản”…

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Do đó, khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu nghi ngờ mắc COPD như đã nói trên, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và định hướng điều trị phù hợp. Khi đã xác định được tình trạng bệnh, người bệnh cần nghiêm túc tuân theo chỉ định điều trị của cán bộ y tế, định kì tái khám hằng tháng để được đánh giá lại tình trạng bệnh, kê đơn thuốc và tư vấn bệnh. Do hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, vì thế, việc kiểm soát và phòng ngừa bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có ý nghĩa rất quan trọng. Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tái phát là tránh xa các yếu tố nguy cơ như thuốc lá, khói bụi, môi trường ô nhiễm; điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và các bệnh lý kèm theo; kiểm tra sức khỏe định kì nhằm kịp thời phát hiện bệnh; luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; khi tình trạng bệnh có các dấu hiệu tăng nặng, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Phương Thảo

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140595