Chủ động phòng tránh đuối nước cho học sinh

Kỳ nghỉ hè đang đến gần cũng là lúc việc phòng tránh đuối nước cho học sinh (HS) được quan tâm hơn. Bên cạnh việc học bơi, các em còn cần được trang bị những kỹ năng cần thiết để chủ động phòng tránh đuối nước.

Nguy cơ luôn tiềm ẩn

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh luôn xảy ra trường hợp HS đuối nước ở ngoài trường. Năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 8 trường hợp; năm 2022 có 10 trường hợp; từ đầu năm 2023 đến nay, xảy ra 3 trường hợp. Những tai nạn đuối nước xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: Các em phần lớn không biết bơi, thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan với những biển cảnh báo nguy hiểm của chính quyền địa phương ở biển, hồ, sông, suối...

Học sinh học bơi tại hồ bơi Trường Tiểu học Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang).

Thầy Nguyễn Văn Ngôn - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Nguyên Giáp (huyện Diên Khánh) cho biết, nhà trường đã thực hiện tuyên truyền giáo dục HS kỹ năng phòng, chống đuối nước thông qua các hoạt động ngoại khóa, trong các buổi chào cờ đầu tuần, lồng ghép trong các tiết dạy, tuyên truyền trực quan trên pa nô, áp phích…; phối hợp tổ chức dạy kỹ năng an toàn khi bơi cho HS. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ việc dạy bơi còn rất thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu học tập, luyện tập và thi đấu của HS. Trường không có hồ bơi tại trường; các khóa học về bơi lội chủ yếu tập trung tại thành thị, trẻ em nông thôn khó tiếp cận. Bên cạnh đó, HS, phụ huynh vẫn chưa quan tâm đúng mức đối với những khuyến cáo về phòng tránh đuối nước nên nguy cơ đuối nước đối với trẻ em nông thôn rất cao.

Ông Lê Minh Trung - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, trong những năm gần đây, trên địa bàn huyện không có trường hợp HS bị đuối nước. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn bởi địa bàn rộng với nhiều sông, suối, ao, hồ; hệ thống giao thông phức tạp với nhiều đập tràn, cầu dân sinh thiếu kiên cố; số HS biết bơi chưa nhiều, một bộ phận HS chưa nhận thức đầy đủ về nguy cơ tai nạn đuối nước.

Cần sự quan tâm phối hợp

Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hiện nay, các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy bơi cho HS theo 2 hình thức: Dạy bơi trong trường hoặc liên kết dạy bơi ngoài trường. Đối với các trường không có hồ bơi, lãnh đạo một số trường đã chủ động liên kết với các trung tâm, cơ sở dạy bơi trên địa bàn để tổ chức dạy bơi cho HS. Tuy vậy, số trường thực hiện không nhiều, chủ yếu ở cấp THPT. Đối với dạy bơi trong nhà trường theo Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, do nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành hồ bơi nên thời gian qua, số HS tham gia học bơi trong trường còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 10% mục tiêu đề ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện đề án thí điểm dạy bơi; đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng đề án mới về dạy bơi cho HS trong nhà trường trong thời gian tới.

Bên cạnh việc tổ chức cho HS học bơi trong và ngoài trường, các em cần được trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước, như: Không tự ý bơi khi không có người lớn đi cùng; biết cách sơ cứu các tình huống khi tai nạn đuối nước xảy ra (hô hấp nhân tạo và ủ ấm, chống choáng); biết cách tháo gỡ khi nạn nhân bám ôm lấy người cứu; biết sử dụng vật hỗ trợ để kéo nạn nhân vào bờ... Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ của gia đình, chính quyền địa phương để đảm bảo an toàn, phòng tránh đuối nước cho HS, nhất là khi kỳ nghỉ hè sắp đến. Các gia đình cần quản lý tốt con em mình, thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ; các địa phương cần rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để đặt biển cảnh báo hoặc có các biện pháp chủ động phòng ngừa.

H.NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202305/chu-dong-phongtranh-duoi-nuoc-cho-hoc-sinh-49100f0/