Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với thiên tai

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2022, biển Đông xuất hiện từ 4 – 6 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, lượng mưa khu vực Bắc Bộ ở mức xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm, lượng mưa phân bổ không đồng đều, phát sinh những đợt mưa lớn bất thường.

Để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời với mọi tình huống của thiên tai, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) – tìm kiếm cứu nạn (TKCN) và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2022.

UBND tỉnh giao Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh chủ trì, chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch PCTT & TKCN năm 2022, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống.

Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình liên quan đến đê điều đang triển khai; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm và nhanh chóng khắc phục các vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi xảy ra trên địa bàn.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Sông Lô phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh xây dựng phương án trọng điểm xử lý sạt trượt mái đê phía sông, đoạn từ K20 + 740 – K20 + 945 thuộc địa phận xã Tứ Yên, K3 + 410 – K3 + 750 thuộc địa phận xã Bạch Lưu.

UBND huyện Lập Thạch xây dựng phương án trọng điểm xử lý mạch đùn, mạch sủi tuyến đê hữu sông Phó Đáy đoạn từ K5 + 00 – K8 + 00.

UBND huyện Tam Dương xây dựng phương án trọng điểm xử lý sạt trượt mái đê từ K4 + 400 – K5 + 00 đê tả sống Phó Đáy.

UBND huyện Vĩnh Tường xây dựng phương án trọng điểm xử lý mạch đùn, mạch sủi thẩm lậu mái đê tại K16 – K17, K18 – K19 + 500, K19 + 400 – K19 + 450 đê tả sông Phó Đáy.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/77161/chu-dong-phong-tranh-ung-pho-kip-thoi-voi-thien-tai.html