Chủ động phòng tránh, ứng phó rét đậm, rét hại

Mấy ngày nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra đợt rét đậm diện rộng, vùng núi rét hại. Cùng với đó, sự chênh lệch nhiệt độ khá lớn giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí thấp, hanh khô cao đã ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân cũng như cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Do đó, cần phải có những biện pháp đề phòng và ứng phó kịp thời.

Theo dự báo, thời tiết mùa đông năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp, nhất là sự xuất hiện của rét đậm kèm sương muối và hanh khô. Ghi nhận của cơ quan chuyên môn mấy năm gần đây cho thấy, hiện tượng rét đậm, rét hại diễn ra trên địa bàn tỉnh khá thất thường, có đợt kéo dài hàng chục ngày. Thực tế cho thấy, một số nơi người dân còn chủ quan khiến tình trạng người già, trẻ em phải nhập viện khá đông sau mỗi đợt rét đậm, rét hại; tỷ lệ gia súc, gia cầm bị chết rét cũng gia tăng, nhất là đối với trâu, bò ở vùng núi. Năm 2018, các tỉnh miền núi phía Bắc chứng kiến nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị chết. Tuy ở tỉnh ta thiệt hại chưa nhiều nhưng cũng không vì thế mà chủ quan.

Nhận thức rõ điều đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị tăng cường chỉ đạo thực hiện biện pháp phòng tránh và ứng phó với diễn biến thất thường của thời tiết. Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trách nhiệm của các cấp, ngành trong tỉnh là phải thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết và thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa được biết để chủ động phòng tránh.

Ngành Y tế có vai trò quan trọng trong công tác đảm bảo sức khỏe nhân dân trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết. Trước tình hình rét đậm, rét hại, ngành này cần chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo việc phòng, chống rét cho người bệnh nhất là người già và trẻ em trong quá trình đến khám, điều trị tại đơn vị. Đồng thời lên phương án dự trữ, đảm bảo đủ số thuốc cấp cứu, phương tiện y tế và giường bệnh để xử lý kịp thời các trường hợp nhập viện do mắc phải các bệnh nguy hiểm thường gặp do rét đậm, rét hại gây ra như: Tim mạch, huyết áp, đột quỵ, viêm đường hô hấp… Chú trọng đối với các trường hợp ở xa, không có điều kiện chăm sóc, cách ly và dinh dưỡng kém. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng yêu cầu ngành Giáo dục - Đào tạo căn cứ tình hình thực tế thời tiết để chủ động chỉ đạo các nhà trường thông báo học sinh nghỉ học theo quy định. Đối với các trường học bán trú, cần đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của học sinh sao cho phù hợp với diễn biến thời tiết.

Với đàn vật nuôi, các cơ quan, đơn vị chuyên môn cần tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn, giữ khô nền, vệ sinh sạch sẽ, tạo độ ấm cần thiết cho chuồng nuôi. Tích cực tuyên truyền, vận động người dân không cho trâu, bò làm việc hoặc chăn thả tự do khi thời tiết rét đậm. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo, nếu nhiệt độ ngoài trời dưới 13 độ C, cần đưa gia súc, gia cầm về nơi nuôi nhốt, có kiểm soát chặt chẽ. Chủ động dự trữ thức ăn tinh và thức ăn khô đảm bảo phòng, chống đói rét cho đàn gia súc. Với các loại hoa màu, tùy từng điều kiện, thời điểm cụ thể, có biện pháp chống rét phù hợp; đôn đốc thu hoạch các loại hoa màu để hạn chế thiệt hại.

Để kịp thời ứng phó với rét đậm, rét hại, rất cần sự chủ động cả về thông tin, biện pháp phòng, tránh cụ thể, hiệu quả. Theo chúng tôi, ngay từ bây giờ, các địa phương, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức trực ban thường xuyên, nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó. Không chỉ có chính quyền mà người dân cũng phải nêu cao cảnh giác, chủ động các phương án phòng, tránh rét hữu hiệu nhất để giảm thiểu thiệt hại.

Nguyễn San

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/thoi-su-trong-tinh/chu-dong-phong-tranh-ung-pho-ret-dam-ret-hai-267890-205.html