Chủ động phòng trừ châu chấu tre lưng vàng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận tình trạng châu chấu tre lưng vàng gây hại trên cây trồng nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, xác định đây là loại côn trùng có khả năng phát sinh nhanh, gây hại mạnh, khó kiểm soát, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng cây trồng; các địa phương và cơ quan chuyên môn trong tỉnh chủ động triển khai biện pháp phòng trừ.

Châu chấu tre lưng vàng là loài côn trùng đa thực có sức phá hại lớn, chủ yếu gây hại trên cỏ dại, rừng tre, vầu… Tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, châu chấu tre lưng vàng đang phát sinh mạnh với mật độ cao và diện tích lớn. Trong đó, tại tỉnh Cao Bằng, châu chấu tre lưng vàng gây hại trên 800ha cây nông lâm nghiệp và tỉnh này đã phải công bố dịch trên địa bàn 3 huyện: Nguyên Bình, Hòa An, Thạch An.
Tại tỉnh Lai Châu, trong 2 năm 2020 và 2021, châu chấu tre lưng vàng đã xuất hiện và gây hại trên cây trồng tại 2 huyện: Mường Tè, Nậm Nhùn. Tổng diện tích gây hại trên cây tre, nứa, chuối rừng là 10,5ha; gây hại trên lúa nương 1ha. Từ năm 2022 đến nay, châu chấu tre lưng vàng chưa xuất hiện gây hại trở lại song nguy cơ rất lớn. Để chủ động phòng chống, ngày 5/6/2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 1194/SNN-TT&BVTV về việc chủ động giám sát, chủ động phòng trừ châu chấu tre lưng vàng.

Người dân thôn Đoàn Kết (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh, châu chấu tre để phòng trừ.

Người dân thôn Đoàn Kết (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ) thường xuyên thăm đồng nhằm phát hiện sớm sâu bệnh, châu chấu tre để phòng trừ.

Thực hiện công văn này, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách nhận biết, tác hại và các biện pháp phòng trừ châu chấu tre lưng vàng. Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi địa bàn, phát hiện, nắm diễn biến tình hình di chuyển và gây hại của đàn châu chấu trên khu rừng vầu, tre, nứa, luồng… Qua đó, kịp thời thông tin, báo cáo với UBND huyện chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng trừ không để lây lan trên diện rộng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố kiểm tra, nắm bắt tình hình; tham mưu, hướng dẫn các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Đức Duyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Chúng tôi chủ động theo dõi sát tình hình châu chấu phát sinh tại các tỉnh lân cận để kịp thời tham mưu chỉ đạo phòng trừ. Phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, tích cực vào cuộc, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, nhắc nhở việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các huyện, thành phố, nhất là tại khu vực chợ phiên San Thàng (thành phố Lai Châu). Quyết tâm không để kinh doanh thuốc giả, thuốc không đảm bảo chất lượng, thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc xuất xứ và tăng giá thuốc”.
Thời điểm này, người dân khắp các vùng thấp đến vùng cao biên giới thường xuyên kiểm tra diện tích trồng lúa, ngô, tre, vầu. Đặc biệt, đối với 3 huyện: Phong Thổ, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, qua quá trình điều tra, nắm bắt hướng di chuyển của châu chấu tre nhận định đây là những nơi có nguy cơ cao hơn, việc phòng chống càng được chú trọng.
Có mặt tại cánh đồng ngô xanh mướt, đang trong giai đoạn trổ cờ làm hạt của thôn Đoàn Kết (thị trấn Phong Thổ, huyện Phong Thổ), chúng tôi thấy có khá đông người dân đang thăm đồng. Anh Màng Văn Đoàn bộc bạch: Vụ xuân hè năm nay gia đình tôi trồng 1ha ngô. Thời điểm lúc mới trồng thời tiết khô hạn, ngô không lên được, rất may có những trận mưa mùa hạ cứu cánh, giờ ngô cơ bản phát triển đều, đang trổ cờ, ra bắp. Hiện giờ, chưa có sâu bệnh gì gây hại nhiều nhưng được cán bộ chuyên môn tuyên truyền về nguy cơ châu chấu tre lưng vàng gây hại thì gia đình tôi ngày nào cũng cắt cử người đi thăm đồng. Những ngày bận thì tranh thủ lúc cuối giờ chiều vợ chồng chia nhau ra từng khu vực để kiểm tra. Hy vọng, cây ngô được phát triển, bảo vệ tốt, cho năng suất cao.
Theo chia sẻ của cán bộ chuyên môn, châu chấu tre lưng vàng là loài sinh vật gây hại nguy hiểm bởi khả năng gây hại theo đàn trên nhiều cây trồng, khi trưởng thành châu chấu di chuyển nhanh, phạm vi gây hại rộng (mỗi lần di chuyển thường khoảng vài ki-lô-mét). Châu chấu tre thường gây hại nhiều từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm. Muốn phòng trừ hiệu quả cần diệt trừ ngay khi còn non, mới nở sống quần tụ trong phạm vi hẹp, di chuyển chậm và gây hại cục bộ.
Bà con áp dụng các biện pháp diệt châu chấu theo thứ tự: sử dụng vợt bắt cho gia cầm ăn, ngâm ủ thành phân hữu cơ hoặc đem tiêu hủy; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hóa học để phun trừ. Thuốc phun phải có hoạt chất: Imidacloprid 2 (Anvado 100WP), Thiosultap-sodium/Nereistoxin (Neretox 95WP), Emamectin benzoate + Lufenuron (Lufen extra 100EC). Lưu ý khi phun cần phun theo hình thức bao vây, cuốn chiếu để tăng hiệu quả. Sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách.

Thanh Hoa

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ch%E1%BB%A7-%C4%91%E1%BB%99ng-ph%C3%B2ng-tr%E1%BB%AB-ch%C3%A2u-ch%E1%BA%A5u-tre-l%C6%B0ng-v%C3%A0ng