Chủ động phòng trừ sâu bệnh cho lúa vụ chiêm xuân

Hiện nay, toàn tỉnh diện tích lúa trà xuân muộn đã cấy đạt trên 11.000/15.400 ha. Tại các địa phương có diện tích cấy lớn đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại trên mạ và lúa mới cấy. Để bảo vệ sản xuất, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp chủ động bảo vệ lúa vụ chiêm xuân.

Nông dân xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) cấy giống lúa lai nhị ưu 838 theo mật độ 30 - 40 khóm/m2.

Nông dân xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) cấy giống lúa lai nhị ưu 838 theo mật độ 30 - 40 khóm/m2.

Theo Sở NN&PTNT, các địa phương trong toàn tỉnh đã hoàn tất khâu làm đất, tiếp tục tập trung chăm sóc diện tích trà xuân sớm và chính vụ, đồng thời khẩn trương hoàn thành việc gieo cấy lúa trà xuân muộn kịp tiến độ. Dự kiến trong tháng 2, toàn tỉnh sẽ hoàn thành kế hoạch gieo cấy lúa chiêm xuân theo đúng khung thời vụ.

Qua theo dõi của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) cho thấy, ốc bươu vàng (OBV) gây hại trên diện tích trà sớm lúa mới cấy, mật độ trung bình 0,2 - 1 con/m2, nơi cao 3-5 con/m2, tập trung tại các huyện: Lạc Thủy, Lương Sơn, Yên Thủy, Mai Châu và TP Hòa Bình. OBV có xu hướng tăng mạnh về mật độ và diện phân bố, nhất là ở những nơi gần kênh dẫn nước, ao, hồ, sông, suối, diện tích trà xuân sớm nhiễm bệnh trên 100 ha. Rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại rải rác trên mạ và lúa mới cấy với mật độ trung bình 10 - 20 con/m2, chủ yếu ở huyện Lương Sơn, Lạc Thủy. Bọ trĩ gây hại rải rác trên mạ xuân, mật độ trung bình 15 - 20 con/khung, chủ yếu ở huyện Lạc Thủy, Yên Thủy.

Dựa vào tình hình hiện tại, Chi cục TT&BVTV dự báo từ nay đến đầu tháng 3 sẽ là cao điểm gây hại của OBV trên diện tích lúa mới cấy, đẻ nhánh hay diện tích gieo sạ. Ngay từ đầu vụ, để chủ động trong công tác phòng trừ, Chi cục TT&BVTV đã có công văn chỉ đạo tới các huyện, thành phố yêu cầu cán bộ phụ trách nông nghiệp, trưởng các thôn, xóm chỉ đạo nông dân thực hiện tốt công tác kiểm tra, theo dõi, bám sát đồng ruộng. Trước thời gian cấy, Chi cục đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo cán bộ cơ sở hướng dẫn nông dân làm đất kỹ, cày bừa san đều ruộng và tránh lồi lõm, trũng nước. Sau khi cấy, các địa phương chỉ đạo cán bộ cơ sở thường xuyên huy động nhân lực thu bắt ốc, trứng ốc, cắm cọc ven bờ và đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh nước để thu hút OBV đến đẻ trứng. Ở những nơi OBV sống tập trung, nếu chủ động nước có thể sử dụng một số loại thuốc trừ OBV như: Tob 1,25GR, 1,88GR; Andolis 120AB, 150BB, 190BB; Bosago 12AB; Apple 700WP; Awar 700WP; Dioto 250 EC... hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam được đăng ký trừ đối tượng này. Không phun, rải thuốc cho những ruộng không có bờ, ruộng nuôi cá và nuôi trồng thủy sản.

Ngoài OBV, trên cây lúa vụ chiêm xuân còn xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại khác, điển hình như đạo ôn phát sinh gây hại trên các giống nhiễm, ổ dịch cũ; bệnh nấm mốc, bọ trĩ, rầy... có khả năng tiếp tục gây hại trên mạ xuân; sâu cuốn lá nhỏ vũ hóa xuất hiện và gây hại trên lúa mới cấy giai đoạn bén rễ hồi xanh, đẻ nhánh và đẻ trứng trên các trà lúa xuân sớm. Đây là các đối tượng có nguy cơ phát sinh, lây lan và gây hại mạnh cho lúa. Vì vậy, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo nông dân trong tỉnh cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh. Không lơ là trước các đối tượng đã được cảnh báo để bảo toàn tuyệt đối năng suất, chất lượng lúa vụ chiêm xuân.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/138139/chu-dong-phong-tru-sau-benh-cho-lua-vu-chiem-xuan.htm