Chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại để bảo vệ lúa vụ mùa
Theo báo cáo của Chi cục TT&BVTV, qua khảo sát tại các đồng ruộng, ốc bươu vàng (OBV) tiếp tục gây hại trên diện tích lúa mới cấy - đẻ nhánh, diện tích nhiễm 171 ha, tập trung tại các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc…
Bệnh nghẹt rễ bắt đầu phát sinh gây hại nhẹ rải rác với diện tích nhiễm trên toàn tỉnh 51 ha; chuột gây hại làm ảnh hưởng 20 ha lúa tại huyện Lương Sơn. Ngoài ra, bệnh vàng lá sinh lý các đối tượng như: Bọ trĩ, tập đoàn rầy, sâu đục thân, dòi đục nõn… bắt đầu xuất hiện và gây hại nhẹ rải rác tại các địa phương trong tỉnh.
Nông dân phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) kiểm tra đồng ruộng, phát hiện, thu bắt trứng và ốc bươu vàng.
Tại huyện Yên Thủy, qua kiểm tra đồng ruộng, phát hiện có 5 ha lúa mới bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại, mật độ phổ biến 3 - 5 con/m2, nơi cao 10 - 20 con/m2; OBV tiếp tục gây hại trên một số diện tích. Bệnh nghẹt rễ, bọ trĩ, sâu đục thân… bắt đầu phát sinh, gây hại rải rác trên các trà lúa. Đồng chí Bùi Thị Xanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Yên Thủy cho biết: Để chủ động ngăn chặn sự phát sinh, lây lan diện rộng của sâu bệnh, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa, trung tâm đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn tăng cường kiểm tra, bám sát đồng ruộng, điều tra phát hiện sớm thời gian sâu cuốn lá nhỏ nở chính xác để có biện pháp xử lý kịp thời. Với đối tượng OBV, huyện chỉ đạo các HTX, cán bộ chuyên môn và trưởng các xóm, thôn tăng cường phối hợp với nông dân theo dõi, kiểm tra đồng ruộng để khoanh vùng, thống kê diện tích nhiễm OBV. Đồng thời, thường xuyên huy động nhân lực thu bắt ốc, trứng ốc, kết hợp với các đợt làm cỏ.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh hại gây ra, đảm bảo năng suất, sản lượng lúa đến khi thu hoạch, Sở NN&PTNT, Chi cục TT&BVTV đã có các công văn về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Theo đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tại Công văn số 880, ngày 10/5/2021 của Sở NN&PTNT về tăng cường các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ nông sản vụ xuân và triển khai sản xuất vụ mùa - hè thu 2021 trong tình hình dịch Covid-19; Công văn số 182, ngày 28/5/2021 của Chi cục TT&BVTV hướng dẫn khắc phục ngộ độc hữu cơ và phòng trừ OBV hại lúa vụ mùa năm 2021; Công văn số 231, ngày 30/6/2021 của Chi cục TT&BVTV về chủ động phòng ngừa rầy và bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2021.
Nhằm ngăn chặn OBV tiếp tục gây hại, các địa phương cần tập trung khoanh vùng, thống kê diện tích nhiễm OBV. Áp dụng các biện pháp diệt trừ OBV, ngăn chặn sự lây lan của OBV ra đồng ruộng, chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng trừ tổng hợp OBV như: Thường xuyên huy động nhân lực thu bắt ốc, trứng ốc; thời kỳ lúa đẻ nhánh có thể thả vịt vào ruộng để bắt ốc con. Những nơi OBV sống tập trung, nếu chủ động nước có thể sử dụng một trong các loại thuốc trừ OBV (NP Snailicide 700 WP, Bayoc 750WP, Chopper 700WP...), hoặc các thuốc khác có trong danh mục thuốc BVTV Việt Nam được đăng ký trừ đối tượng này…
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và thực hiện công tác theo dõi bẫy đèn, cập nhật diễn biến rầy trưởng thành vào đèn để dự báo thời điểm phát sinh, mật độ các lứa rầy để phòng ngừa hiệu quả đối tượng rầy và bệnh lùn sọc đen hại lúa. Tăng cường điều tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ rầy lưng trắng mang mầm bệnh virus lùn sọc đen, áp dụng các biện pháp phòng trừ cụ thể.
Chi cục TT&BVTV cũng lưu ý: Thời gian tới, các đối tượng như bệnh nghẹt rễ, bệnh vàng lá sinh lý, chuột hại, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, tập đoàn rầy… sẽ gây hại mạnh trên các diện tích lúa mùa trong toàn tỉnh. Do đó, các địa phương cần chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu để đảm bảo dự tính dự báo sâu bệnh hại sớm, kịp thời, hiệu quả.