Chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên cây ăn quả
Thời điểm này, nhiều loại cây ăn quả như xoài, nhãn, bưởi đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả non. Đây là giai đoạn rất quan trọng để bảo đảm năng suất, chất lượng quả. Tuy nhiên, nhiều diện tích đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh gây hại, do vậy, các cơ quan chuyên môn đang tăng cường điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Toàn tỉnh hiện có gần 80.000 ha cây ăn quả, gồm 20.000 ha xoài, trên 19.000 ha nhãn và gần 5.000 ha cây có múi. Thời tiết mưa ẩm liên tục là điều kiện thuận lợi để nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, nguy cơ lây lan ra diện rộng là không tránh khỏi.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, trên các loại cây ăn quả đã xuất hiện các loại sâu bệnh như: Bọ xít nâu, rệp sáp, rầy chổng cánh vân nâu, thán thư, sương mai, phấn trắng, rệp đỏ trên cây xoài, nhãn, cây có múi với diện tích gần 150 ha, tập trung tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sông Mã... Những bệnh phổ biến này ảnh hưởng trực tiếp làm rụng hoa, rụng trái non. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, độ ẩm không khí cao.
Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cho biết: Chi cục đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thường xuyên hướng dẫn bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn, khi phát hiện nơi nào có sâu, bệnh xuất hiện nhiều sẽ tổ chức tập huấn nhanh cho nông dân về các biện pháp điều trị hiệu quả. Để hạn chế sự phát triển bệnh thán thư, bà con nên quan sát giai đoạn ra hoa và trái non, khi phát hiện bệnh nên thu gom và tiêu hủy những bộ phận bị bệnh để tránh lây lan. Tỉa cành, tạo tán để tạo thông thoáng vườn cây, giảm độ ẩm trong vườn. Khi phát hiện bệnh hoặc đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly.
Huyện Yên Châu có gần 3.000 ha xoài, thời điểm này đã phát hiện 12,5 ha bị nhiễm bệnh thán thư, phấn trắng. Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Định kỳ hàng tuần, đơn vị cử cán bộ nắm bắt, thông báo tình hình sâu, bệnh, các biện pháp chăm sóc, phòng trừ đối với từng loại cây trồng đến các hộ dân, HTX. Đối với vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, hướng dẫn nông dân tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu, bệnh nằm trong danh mục cho phép để không làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sau khi xoài đậu quả, phải tỉa bỏ những quả nhỏ chất lượng kém và bao trái để đảm bảo mẫu mã đẹp, quả xoài chất lượng cao.
Gần 1 tháng nay, hơn 1 ha vườn bưởi, nhãn, xoài của gia đình ông Giang Văn Bắc, tiểu khu Nà Sản, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn xuất hiện bệnh sương mai và nhện đỏ. Ngay khi phát hiện sâu bệnh, ông đã chủ động sử dụng các loại thuốc để phòng trừ. Đến thời điểm này, tình hình sâu bệnh đã được khống chế và không phát triển thêm. Ông Bắc cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên tỷ lệ quả của cây xoài chỉ đạt 50-60% so với năm trước. Để bảo đảm năng suất, chất lượng và hạn chế tình trạng rụng quả sinh lý, giai đoạn này, tôi tập trung bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho quả phát triển. Bên cạnh đó, tôi thường xuyên thăm vườn, kiểm tra sâu bệnh, sử dụng bẫy sinh học để tránh cho côn trùng châm vào quả.
Theo dự báo của Chi cục BVTV tỉnh, thời gian tới, tình hình sâu, bệnh trên các loại cây trồng tiếp tục tăng cục bộ ở những vườn đã có biện pháp phòng trừ nhưng hiệu quả thấp, hiện tượng rụng quả sinh lý tiếp tục xảy ra… Để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, ngành nông nghiệp khuyến cao người dân tập trung bón bổ sung dinh dưỡng để cây nở hoa thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng trừ kịp thời.