Chủ động phương án bảo vệ tuyệt đối các mục tiêu trong mọi tình huống
Sáng nay, 29-11, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 37 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa xã hội do lực lượng CSND có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, công tác bảo vệ mục tiêu là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của lực lượng CAND mà lực lượng CSCĐ được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ mục tiêu, lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về các hoạt động của CSCĐ, như Pháp lệnh CSCĐ, các Nghị định, Thông tư. Trong đóNghị định số 37 ngày 23-4-2009 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa xã hội
“Sự ra đời của Nghị định 37 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp lực lượng CAND nói chung, trực tiếp là CSCĐ tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu”, đồng chí Thứ trưởng nêu rõ.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 37, CSCĐ đã chủ động làm tốt công tác tham mưu, giúp Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ các chủ trương, giải pháp, tổ chức lực lượng vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa xã hội, cũng như các sự kiện diễn ra tại các mục tiêu bảo vệ.
“Qua đó góp phần cùng các lực lượng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, nâng cao hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ đã để lại niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, hình ảnh tốt đẹp trong nhân dân và bạn bè quốc tế”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đánh giá.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của xã hội và thực tế quá trình triển khai công tác bảo vệ mục tiêu đã phát sinh những khó khăn, hạn chế; một số quy định, danh mục mục tiêu bảo vệ trong Nghị định không còn phù hợp; công tác tổ chức lực lượng bảo vệ mục tiêu gặp nhiều khó khăn...
Trình bày báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 37, Đại tá Lê Văn Sao, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh CSCĐ cho biết, trong 10 năm qua lực lượng CSND làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu luôn đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, trấn áp hiệu quả các hành vi xâm hại mục tiêu, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của mục tiêu, bảo đảm an ninh, an toàn về người, tài sản, phương tiện, các công trình thuộc phạm vi trách nhiệm bảo vệ cũng như khu vực xung quanh mục tiêu.
Luôn chủ động, xử lý đúng quy trình, hiệu quả các tình huống xảy ra tại mục tiêu bảo vệ, có sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo về mọi mặt trước khi tiến hành canh gác, bảo vệ mục tiêu. Chủ động xây dựng và thực hành luyện tập các phương án, kế hoạch bảo vệ mục tiêu; có cơ chế triển khai phối hợp hiệu quả trong xử lý từng tình huống cụ thể cùng với các đơn vị trong và ngoài ngành; trang bị đầy đủ, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ...
Dưới sự điều hành của Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ, các đại biểu dự hội nghị đã thảo luận, đánh giá chính xác, khách quan những kết quả đạt được của lực lượng CSND nói chung, CSCĐ nói riêng trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 37. Đồng thời thẳng thắn đề cập những khó khăn, bất cập và kiến nghị những giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ mục tiêu trong thời gian tới. Một số khó khăn, bất cập cũng như đề xuất của các địa phương đã được Trung tướng Phạm Quốc Cương trực tiếp làm rõ trong quá trình điều hành thảo luận...
Nhân hội nghị này, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho 24 tập thể và 34 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị định số 37; Tư lệnh CSCĐ đã tặng Giấy khen cho 24 tập thể và 114 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị định số 37.
Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cảm ơn các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương trong thời gian qua đã quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để lực lượng CSCĐ hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, kết quả tích cực mà lực lượng CSCĐ đã đạt được trong các mặt công tác; chúc mừng các tập thể, cá nhân đã được Bộ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh CSCĐ khen thưởng.
Chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc yêu cầu lực lượng CSCĐ tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến CSCĐ để các bộ, ban, ngành, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân hiểu về vai trò, trách nhiệm của công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội (TTATXH); đặc biệt là vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ mục tiêu trong tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó Bộ Tư lệnh CSCĐ cần kiểm soát đầy đủ, chặt chẽ các phương án xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương; tập trung làm tốt công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình, chủ động về phương án, tổ chức lực lượng vũ trang canh gác bảo đảm tuyệt đối an toàn các mục tiêu trong bất kỳ tình huống nào.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nhằm tăng cường sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng CSCĐ; đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, tăng cường “rèn cán, luyện quân”, coi trọng huấn luyện kỹ năng chiến đấu, tác chiến hiệp đồng; khai thác hết tính năng, hiệu quả các loại vũ khí.
Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của lực lượng CSCĐ đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tham mưu cấp ủy Công an các cấp kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ mục tiêu; đào tạo bội dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ chiến sỹ đảm bảo đủ mạnh, tinh nhuệ, sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ an ninh chính trị, TTATXH.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị Bộ Tư lệnh CSCĐ phối hợp chặt chẽ với Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp và các cơ quan liên quan sớm nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37 cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đề xuất xây dựng hoàn thiện quy chế phối hợp giữa CSCĐ với các đơn vị trong và ngoài ngành trong công tác bảo vệ mục tiêu.
Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cấp ủy chính quyền các cấp, nhất là thủ trưởng các đơn vị có mục tiêu bảo vệ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về mọi mặt để lực lượng CSCĐ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đồng thời đề nghị Bộ Tư lệnh CSCĐ hướng dẫn hệ lực lượng triển khai các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm của Bộ; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, tuần tra, canh gác, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao...
10 năm qua, lực lượng Cảnh sát bảo vệ đã tổ chức bảo vệ tuyệt đối an toàn 645/645 mục tiêu; xây dựng hơn 5.700 phương án bảo vệ các loại; tổ chức thực tập hơn 11.500 lượt phương án với hơn 162.000 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia; hướng dẫn hơn 76.900 đoàn với hơn 346.000 công dân đến khiếu kiện, tố cáo tại mục tiêu bảo vệ; bảo vệ an toàn hơn 38.000 hội nghị mít tinh, gần 16.000 lượt cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và 4.200 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại mục tiêu bảo vệ.