Chủ động phương án kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa thiết yếu

Tại Công điện số 61 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Thực hiện yêu cầu này, các Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã tăng cường các phương án kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa thiết yếu.

Thành phố Hà Nội 1 trong những thị trường tiêu dùng hàng đầu cả nước, tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, các mặt hàng thực phẩm như: đồ khô, rau xanh, thịt, cá tươi được niêm yết giá công khai để người tiêu dùng tiện theo dõi, tra cứu. Còn tại các Trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống bán lẻ, hiện giá cả hàng hóa biến động nhẹ ở một số nhóm hàng, chủ yếu do tác động của yếu tố bên ngoài như tỷ giá, chi phí nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics. Các nhà bán lẻ cho biết, chiến lược kinh doanh giai đoạn này là mua hàng tận nguồn, mua với số lượng lớn để có giá cả tốt nhất cho người tiêu dùng.

Chủ động phương án kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa thiết yếu (Ảnh minh họa)

Chủ động phương án kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa thiết yếu (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thu mua hệ thống MM Mega Market Việt Nam cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đã ký với khoảng1.400 nhà cung cấp với 200 nhà cung cấp chiến lược. Chúng tôi có chương trình bình ổn giá cho hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu, hướng trực tiếp tới các sản phẩm rau, củ, quả cá thịt”.

Theo Tổng cục thống kê, chương trình bình ổn thị trường là công cụ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc kiểm soát giá tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu quý II, đã có 3/10 nhóm hàng đề nghị giảm giá là: thịt gia cầm, trứng gia cầm và thực phẩm chế biến, giảm 2-7%. Và 6/10 nhóm hàng giữ nguyên giá, đảm bảo giá thấp hơn giá thị trường 5-10%. Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm vừa được giảm từ 1- 2%, cộng với hàng loạt chính sách từ Chính phủ như giãn hoãn nợ, giãn thời gian nộp thuế, giảm 2% giá trị gia tăng, cũng là những công cụ giúp việc kiểm soát giá được chủ động và thuận lợi hơn.

“Doanh nghiệp ngành chế biến lương thực thực phẩm đều có sự chuẩn bị nguyên vật liệu gối đầu cho sản xuất từ 3-6 tháng. Chúng tôi không tăng giá đột biến mà duy trì giá bán như hiện nay để tăng lên mua trên thị trường và tạo ra nhiều chương trình khuyến mãi”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh nói.

Trong giai đoạn tới, liên quan đến đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương 30% cho cán bộ, công chức, viên chức và 15% cho người lao động đã nghỉ hưu, Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở theo lộ trình hằng năm là nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu đảm bảo đời sống cho người hưởng lương. Để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa tích cực trong đời sống, Bộ Tài chính cũng đã có các kịch bản kiềm chế lạm phát và tránh việc tăng giá bất hợp lý.

“Thanh tra kiểm tra thị trường theo quy định Luật giá mới ban hành, chống đầu cơ lũng đoạn, thao túng giá. Tôi cho rằng, thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội thích ứng việc tăng lương và không có nhiều tác động tâm lý từ việc tăng lương, tác động tới lạm phát”, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tuy vậy, để kiểm soát lạm phát bình quân trong mục tiêu Quốc hội đặt ra từ 4-4,5% là nhiệm vụ thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh giá xăng dầu quốc tế hay giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa đường biển còn có thể biến động khó lường. Mấu chốt là nội tại nền kinh tế đang ghi nhận đà phục hồi tích cực. Trong cuộc họp sơ kết 6 tháng mới đây, đại diện Bộ Tài chính cũng đã đề xuất nhóm giải pháp nhằm tiếp tục kiểm soát chặt biến động lạm phát từ nay tới cuối năm.

“Thứ nhất, tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu giá cả thị trường, mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Thứ 2, đảm bảo các biện pháp cung ứng lưu thông hàng hóa. Thứ 3 là chú trọng kê khai niêm yết giá. Chuẩn bị sớm các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Thứ 4, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo mục tiêu đề ra, đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa”, bà Lê Thị Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong Công điện số 61, Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiều nhiệm vụ cho các Bộ, ngành về công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng, cụ thể như: xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng, vận tải hàng không, dịch vụ giáo dục. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường. Tổng cục QLTT nêu rõ: theo chức năng nhiệm vụ Tổng cục QLTT chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa thiết yếu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phạm Hạnh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chu-dong-phuong-an-kiem-tra-giam-sat-gia-ca-hang-hoa-thiet-yeu-post1104820.vov