Chủ động phương án thích ứng khi dịch Covid-19 kéo dài

Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia) họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia dự và phát biểu ý kiến. Tại cuộc họp có 23 ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, góp ý các nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (để thay thế Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ).

Chiều 17-4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo quốc gia) họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia dự và phát biểu ý kiến. Tại cuộc họp có 23 ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, góp ý các nội dung dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (để thay thế Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ).

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng dịch Covid-19 còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc vắc-xin dự phòng thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch. Do vậy cần chủ động phương án thích ứng dịch kéo dài mà vẫn đạt “mục tiêu kép” là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Trong mục tiêu kép đó, việc phải kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan vẫn phải được ưu tiên. Vì vậy, tuyệt đối không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và luôn bám sát nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Thời gian tới, từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành nghề có những giải pháp phù hợp để vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện nay đã hình thành được mô hình dự báo nguy cơ dịch theo địa bàn từng tỉnh, thành phố, nhưng tiến tới dự báo được quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn...). Mặt khác, vì dịch còn kéo dài, cho nên cần xác định chung sống với dịch, nhưng nhất thiết phải an toàn. Chung sống an toàn ở từng lĩnh vực cụ thể, từ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, học tập đến đi lại, sản xuất, kinh doanh, các hoạt động của sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch…

Đáng chú ý, để kiểm soát được dịch bệnh, thời gian qua, cả xã hội đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống. Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng đây là dịp thúc đẩy những thay đổi tích cực. Đó là việc tận dụng thời cơ của thời đại số hóa, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến, thanh toán điện tử... Mặt khác từ bỏ những thói quen, phong tục tập quán không còn phù hợp, như ý thức không xếp hàng, ồn ào nơi công cộng, ở các lễ hội, vừa thiếu văn minh và cũng không đúng với lễ tiết tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống...

* Theo báo cáo của Tiểu Ban điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia), trong ngày 17-4, cả nước đã có 21 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 có 17 người khỏi bệnh (người bệnh thứ 108; 128; 133; 139; 169; 172; 173; 174; 183; 191; 213; 217; 219; 221; 223; 242; 251); tại Bệnh viện đa khoa huyện Nho Quan (Ninh Bình) có một người khỏi bệnh (người bệnh thứ 229); tại Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi Trà Vinh có ba người khỏi bệnh (người bệnh thứ 105; 106; 144). Các trường hợp này sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Đến thời điểm này tại Việt Nam đã có tổng cộng 198 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 74% tổng số người bệnh).

* Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội, sáng 17-4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang và thường xuyên vệ sinh cá nhân... Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, Thường Tín) và các tiểu thương tại các chợ đầu mối của thành phố trong hai ngày 18 và 19-4. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, các bệnh viện, địa phương thống kê, báo cáo về trang, thiết bị y tế đã mua, số còn lưu kho dự trữ; không được dùng các trang, thiết bị y tế này để khám, chữa bệnh thông thường. Hiện Công an thành phố đang xem xét việc mua sắm trang, thiết bị y tế phòng dịch của CDC Hà Nội, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm.

* Sở Y tế Hà Nội có công văn yêu cầu các đơn vị khám, chữa bệnh trong, ngoài công lập; CDC TP Hà Nội, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng người bệnh, thực hiện tờ khai y tế, kiểm tra thân nhiệt tất cả người ra, vào... Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp CDC TP Hà Nội và các bệnh viện giám sát, phát hiện, cách ly người tiếp xúc với các trường hợp ca bệnh; tập huấn kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế tại các trạm y tế trên địa bàn thành phố.

* Chiều tối 17-4, tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những ngày gần đây xuất hiện các nhóm tụ tập đông người không đúng quy định, một số quán cà-phê mở cửa trở lại cũng như người dân tập thể dục ở công viên nhiều hơn. Do vậy, lãnh đạo thành phố đề nghị các quận, huyện, lực lượng chức năng cần tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất, nhắc nhở người dân thực hiện đúng việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và các văn bản chỉ đạo của thành phố. UBND thành phố Hồ Chí Minh có quyết định tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đến hết ngày 3-5.

* Sở Y tế Thanh Hóa cho biết: Trong ngày 17-4, có ba trường hợp có yếu tố dịch tễ, khởi phát biểu hiện sốt, ho, đau rát họng, khó thở được nhập viện điều trị cách ly. Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện báo cáo số lượng người bệnh đến khám, điều trị ngoại trú, nội trú có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính, phục vụ tham mưu, chỉ đạo, điều hành, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

* Ngày 17-4, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị đào tạo trực tuyến của giáo dục đại học trong bối cảnh dịch Covid-19. Đến nay, cả nước có 110 cơ sở giáo dục đại học triển khai công tác đào tạo trực tuyến; trong đó có 63 công lập, 42 cơ sở ngoài công lập và năm cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý để phục vụ đào tạo trực tuyến; áp dụng đào tạo trực tuyến cho cả hệ đào tạo chính quy thay vì chỉ áp dụng cho đào tạo từ xa như trước đây.

* Công ty cổ phần Vận tải Hà Nội (Haraco) cho biết, từ ngày 17-4, ngành đường sắt chính thức chạy thêm một đôi tàu khách Thống Nhất SE5/SE6, thời gian hành trình một chiều khoảng 34 giờ, nâng số tàu hoạt động trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh lên 2 đôi/ngày. Đồng thời, ngành đường sắt cũng tạm dừng đôi tàu hàng nhanh HL1/HL2, hàng chuyển phát nhanh, bưu kiện sẽ được vận chuyển bằng tàu SE5/SE6.

Hỗ trợ các đơn vị, người dân phòng, chống dịch

Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội vừa tổ chức tiếp nhận ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 lần thứ 9, với tổng giá trị tiếp nhận tiền mặt và hiện vật là 1,1 tỷ đồng, nâng tổng số tiền và hiện vật đã tiếp nhận hơn 100 tỷ đồng. Ủy ban cũng đã chuyển tiền, hiện vật tới các lực lượng tuyến đầu làm công tác phòng, chống dịch; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh; người dân các khu vực cách ly phòng, chống dịch trên địa bàn.

* MTTQ tỉnh Nghệ An vừa tổ chức bàn giao hơn 5,8 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật tới các đơn vị: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Y tế tỉnh để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, từ số tiền được nhận đợt này, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An trích 500 triệu đồng tiền mặt và 100 triệu đồng tiền hàng ủng hộ tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) phòng, chống dịch Covid-19.

* Ngày 17-4, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã trao hỗ trợ Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng số tiền 500 triệu đồng nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ các chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn dịch bệnh từ các vùng biên giới, hải đảo.

* Công an hai quận Hải Châu, Thanh Khê (TP Đà Nẵng) đã hỗ trợ gần 10 tấn gạo cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn hai quận này. Cụ thể, hỗ trợ các hộ khó khăn quận Hải Châu 6,5 tấn gạo; hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo Thanh Khê hơn 3 tấn gạo.

* Sáng 17-4, Hội Doanh nghiệp tỉnh Nam Định phối hợp Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh, lực lượng công an địa phương tổ chức phát gạo miễn phí cho người nghèo, nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua thời kỳ dịch Covid-19. Mỗi người dân sau khi kê đủ tên, tuổi, địa chỉ và chứng nhận hộ nghèo được nhận một túi gạo 3 kg. Dự kiến, Nam Định sẽ bố trí thêm hai cây ATM gạo trên địa bàn. Những người sức khỏe yếu, không thể trực tiếp đến điểm phát gạo có thể nhờ người khác mang giấy tờ liên quan đến nhận giúp.

* Sáng 17-4, Thông qua kênh vận động của Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Cần Thơ, Công ty Boss travel and Events đã trao UBND huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) 2,5 tấn gạo để tặng bà con nghèo chịu ảnh hưởng do hạn, mặn và 500 chai gel rửa tay khô cho các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Xử lý nghiêm các vi phạm liên quan

Ngày 17-4, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Hào (sinh năm 1996), trú tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình 8 năm tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và buộc bị cáo bồi thường 45 triệu đồng cho bị hại. Trước đó, do nhu cầu mua khẩu trang y tế để phòng, chống dịch bệnh của người dân tăng cao, Hào đăng lên mạng xã hội là người buôn bán khẩu trang. Thấy thông tin đăng tải, anh Đào Văn Hiếu (sinh năm 1988), trú tại xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) đã gọi điện đặt mua 22 thùng khẩu trang y tế với giá 5,5 triệu đồng/thùng của Hào. Anh Hiếu đã chuyển cho Hào ba lần tiền đặt cọc là 45 triệu đồng thông qua tài khoản ngân hàng. Khi nhận được tiền, Hào đã cắt hết mọi giao dịch và chiếm đoạt số tiền trên.

* Cục Quản lý thị trường tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp vi phạm kinh doanh vật tư y tế, với số tiền 17 triệu đồng; tịch thu hơn 4.400 chiếc khẩu trang có giá trị 24,5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng tiến hành vận động các cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, thiết bị y tế trên địa bàn ký cam kết không được tăng giá khẩu trang, nước sát trùng y tế.

* Tối 16-4, đoàn kiểm tra của Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP Hải Phòng) đã kiểm tra, xử lý phạt 10 triệu đồng đối với cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến tại số 103 đường Bùi Thị Từ Nhiên, phường Đông Hải 1 (quận Hải An) do ông Đỗ Văn Hòa là chủ. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở vẫn đang mở cửa hoạt động với khoảng 20 máy có khách hàng đang chơi trò chơi điện tử trực tuyến.

* Ngày 17-4, UBND thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với ông Hồ Minh Kiện, chủ quán cà-phê Mộc ở thị xã Tân Châu do vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài xử phạt, UBND thị xã Tân Châu đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ ăn uống quán cà-phê Mộc cho đến khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động trở lại.

* Đến nay Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tham mưu chính quyền các địa phương phạt cảnh cáo 364 trường hợp và phạt tiền 1.403 trường hợp không đeo khẩu trang; phạt tiền hai trường hợp không chấp hành yêu cầu cách ly, một trường hợp trốn tránh không khai báo y tế, sáu cơ sở kinh doanh dịch vụ (in-tơ-nét, ka-ra-ô-kê, cà-phê, quán ăn); đình chỉ hoạt động của ba cơ sở kinh doanh do vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh trong thời gian phòng, chống dịch.

Tối 17-4, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 17-4, sau một tháng phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, tổng số tiền, hiện vật ủng hộ và đăng ký ủng hộ qua Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam lên tới hơn 865 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng, nhằm hỗ trợ các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó chủ yếu cung cấp các trang, thiết bị y tế, đồ bảo hộ để các khu cách ly được vận hành hiệu quả nhất.

Cùng ngày, tại Hà Nội, MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ từ Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an số tiền 100 triệu đồng; Công ty cổ phần Đầu tư địa ốc BigHomes số tiền 55 triệu đồng; Hiệp hội cửa Việt Nam số tiền 515 triệu đồng...

Hà Nội bỏ môn thi thứ tư trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Chiều 17-4, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1612/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2020 - 2021 trên địa bàn thành phố. Đáng chú ý là những thay đổi về việc tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên. Trong kỳ thi này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức một kỳ thi chung cho tất cả các trường THPT công lập, học sinh sẽ làm ba bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Như vậy, kỳ thi năm nay, Hà Nội bỏ môn thi thứ tư so với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 - 2020. Dự kiến, các em học sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn vào sáng 17-7, bài thi môn Ngoại ngữ vào buổi chiều 17-7, bài thi môn Toán vào sáng 18-7. Học sinh thi vào lớp 10 chuyên các trường THPT chuyên, sau khi dự thi đủ 3 môn thi của kỳ thi chung sẽ làm bài thi môn chuyên vào chiều 18 hoặc sáng 19-7.

Tiếp tục tạm hoãn tiêm chủng

Ngày 17-4, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, 12 tỉnh, thành phố nằm trong nhóm nguy cơ cao về dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tạm hoãn tiêm chủng thường xuyên. Với những tỉnh, thành phố trong nhóm có nguy cơ và có nguy cơ thấp, sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai tiêm chủng để tránh “dịch chồng dịch”.

Viện cũng đề nghị các trạm y tế xã, phường, thị trấn của 12 tỉnh, thành phố phải tạm hoãn cần quản lý đối tượng tiêm chủng chặt chẽ để thực hiện tiêm bù các vắc-xin cho trẻ, bảo đảm tiêm chủng đầy đủ ngay sau khi được phép tổ chức lại buổi tiêm chủng thường xuyên.

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44128302-chu-dong-phuong-an-thich-ung-khi-dich-covid-19-keo-dai.html