Hải Dương xác định chỉ tỷ lệ bí thư cấp xã không là người địa phương

Việc đặt ra tỷ lệ % Đảng bộ cấp xã ở Hải Dương có Bí thư cấp ủy không là người địa phương rất cần thiết và hoàn toàn khả thi.

Phát biểu thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Huyện ủy Kim Thành Lê Anh Dũng cho rằng việc thực hiện chỉ tiêu 30% số Bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương trong nhiệm kỳ tới là khả thi

Phát biểu thảo luận tổ tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Bí thư Huyện ủy Kim Thành Lê Anh Dũng cho rằng việc thực hiện chỉ tiêu 30% số Bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương trong nhiệm kỳ tới là khả thi

Tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa diễn ra, nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi xung quanh dự thảo Kế hoạch Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Một nội dung được nhiều đại biểu thảo luận là chủ trương thực hiện Bí thư cấp ủy các cấp không là người địa phương trong nhiệm kỳ 2025-2030. Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng nêu rõ: ''Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hòa nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác''.

Nhìn lại 5 năm trước, cũng về nội dung này, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt mục tiêu: ''Căn cứ Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương; cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác''.

Như vậy, sau 5 năm, xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ, Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu cao hơn, rõ ràng hơn trong thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy các cấp không là người địa phương.

Cả thực tiễn và lý luận đều đã chứng minh rằng khi Bí thư cấp ủy không là người địa phương sẽ giúp khắc phục tình trạng cục bộ địa phương, thậm chí trì trệ, kém phát triển ở nơi đó do mối quan hệ thân quen, dòng họ, ngại va chạm, không dám làm… Điều này tạo tính mở và động trong công tác cán bộ, giúp người được luân chuyển làm Bí thư cấp ủy có môi trường thực tiễn để rèn luyện, trưởng thành. Thực tế cho thấy ở nhiều nơi có những việc khó, phức tạp tồn đọng từ lâu, Bí thư cấp ủy cũ là người địa phương không giải quyết được nhưng Bí thư cấp ủy mới không là người địa phương đã xử lý tốt. Một số nơi kinh tế - xã hội đã phát triển rõ nét khi có người đứng đầu không là người địa phương…

Trong nhiệm kỳ tới, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6 của Bộ Chính trị đã xác định rõ chỉ tiêu trong thực hiện Bí thư cấp ủy cấp tỉnh và cấp huyện không là địa phương. Chỉ còn chỉ tiêu Bí thư cấp ủy cấp xã được ''khuyến khích thực hiện''. Đặt ra tỷ lệ cụ thể, hay không đặt ra tỷ lệ cụ thể số Bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương cũng là vấn đề được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Có ý kiến cho rằng dự thảo Kế hoạch Đại hội Đảng cấp cơ sở và cấp trên cơ sở, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030 đề ra mục tiêu ''phấn đấu trên 30% số Đảng bộ cấp xã thực hiện mô bí thư cấp ủy không là người địa phương'' là khó thực hiện, song cũng có ý kiến cho rằng khả thi.

Thực tế nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt việc bố trí chức danh Bí thư cấp ủy cấp xã không là người địa phương. Số đơn vị thấp hơn tỷ lệ phấn đấu nêu trên không nhiều. Báo Hải Dương điện tử ngày 16/5/2023 đưa tin ''84% số xã, phường của TP Hải Dương có Bí thư cấp ủy không phải người địa phương''.

Việc đặt ra tỷ lệ % số cấp xã có Bí thư cấp ủy không là người địa phương là cần thiết để phấn đấu thực hiện, trong đó con số 30% đưa ra như dự thảo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là có cơ sở và khả thi. Quan trọng hơn, khi tổ chức thực hiện chủ trương này, cấp có thẩm quyền cần có biện pháp cụ thể để phát huy ưu điểm, đồng thời phòng ngừa, khắc phục những bất cập, hạn chế như: Thời gian luân chuyển ngắn nên Bí thư cấp ủy không là người địa phương chưa có nhiều đóng góp cho địa phương. Tình trạng dĩ hòa vi quý, giữ mình để chờ hết thời gian luân chuyển. Việc không hợp tác tốt giữa cán bộ địa phương và người mới đến…

NINH TUÂN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/hai-duong-xac-dinh-chi-ty-le-bi-thu-cap-xa-khong-la-nguoi-dia-phuong-386759.html